Thông tin thị trường

Cần thay đổi tâm lý của người mua nhà Việt Nam

27/02/2019 - 02:31

Bàn về giải pháp phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: "Mỗi công dân có quyền có chỗ ở, chứ không nhất định là quyền sở hữu nhà ở". Theo ông Kiên, cần có nhận thức mới về việc thực hiện chính sách mua bán nhà ở bởi quan điểm mỗi người lao động phải mua được một căn hộ là điều khó khả thi.

Tham gia một hội thảo về nhà ở xã hội mới đây, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Hà Quang Hưng đã nêu thực trạng phát triển loại hình nhà ở này tại Việt Nam. 

Cụ thể, tính đến hết năm ngoái, Việt Nam mới hoàn thành được 198 dự án nhà ở xã hội, cung ứng hơn 81.700 căn (khoảng 4.085m2), đạt 33% so với mục tiêu đề ra. Trong tương lai, dự kiến sẽ có tới 226 dự án nhà ở xã hội được triển khai tiếp, cung cấp cho thị trường 182.000 căn, với tổng diện tích sàn khoảng 9.110m2.

Tuy nhiên, so với nguồn cầu không ngừng gia tăng qua các năm thì nguồn cung nói trên quá khiêm tốn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Sinh cho hay, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, Việt Nam sẽ có thêm 1 triệu dân đô thị mỗi năm. Song song với đó là nhu cầu về nhà ở tăng cao và chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà ở bình dân. Số liệu thống kê cho thấy, lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở thời điểm đầu năm 2018 khoảng 1,2 triệu người. Đến năm 2020, dự kiến con số này sẽ tăng lên đến 3 triệu người.

nhà ở xã hội, quyền sở hữu nhà ở
Tâm lý của người mua nhà Việt Nam cần phải thay đổi, từ sở hữu nhà ở sang
có chỗ ở bằng hình thức thuê nhà.

Theo giới chuyên gia, tâm lý của người mua nhà Việt Nam là vấn đề quan trọng cần phải thay đổi, từ sở hữu nhà ở sang có chỗ ở bằng hình thức thuê nhà. Điều này sẽ góp phần giải quyết bài toán về nhu cầu nhà ở giá rẻ tại Việt Nam hiện nay. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc đáp ứng mỗi người lao động phải mua được một căn hộ là điều khó khả thi tại Việt Nam cũng như các nước thuộc nhóm G7. Được biết, Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Luật Kinh doanh nhà ở, Luật Nhà ở đều không quy định việc Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở. Thay vào đó, các văn bản pháp luật chỉ khẳng định Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân có được chỗ ở ổn định. Vậy nên, cần phải có nhận thức mới về vấn đề này. Chính quyền địa phương và các chủ đầu tư cần có trách nhiệm xây dựng hệ thống nhà ở cho người lao động thuê trong thời gian làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, cần ưu tiên triển khai hệ thống nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người lao động thuê lại với mức giá phù hợp với thu nhập. Cùng với đó, vấn đề sở hữu nhà chỉ đặt ra với những công dân có thu nhập trung bình khá trở lên. 

Theo ông Kiên, việc phải đảm bảo cho người lao động chưa hoặc đã nghỉ hưu có thu nhập đủ trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống là vấn đề lớn hơn cần đặt ra trong chính sách phát triển nhà ở xã hội. Việc này sẽ giúp Nhà nước thu hồi đất xây các khu nhà ở xã hội giảm thiểu khó khăn trong việc đền bù, tái định cư, tránh tạo ra mâu thuẫn giữa những người đến ở trong các khu nhà ở xã hội với cư dân địa phương bị thu hồi đất để xây nhà ở xã hội. 

Hơn nữa, phương án nói trên còn thể hiện rõ ưu điểm là Nhà nước vẫn giữa được đất và tài sản hình thành trên đất là tài sản công. Mặt khác, Nhà nước sẽ dựa trên thu nhập thực tế từng giai đoạn của người lao động để định giá cho thuê; đồng thời có chính sách bù lỗ thông qua việc bảo trì căn hộ và duy trì những diện tích công cộng sử dụng chung như bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí của người già, trẻ em...

Ngoài ra, đây cũng là phương án tránh được tình trạng lợi nhuận thu được từ chênh lệch địa tô khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở tập trung vào một số đối tượng, khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị phân hóa, gây bất bình trong xã hội. 

(Tuổi trẻ Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm