Để
tạo điều kiện cho mọi người dân đều có nơi ở ổn định, trong những năm
qua Đà Nẵng có chủ trương xây dựng hàng loạt các khu chung cư để bố trí
cho người dân thuê lại với giá chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Điều kiện
được thuê chung cư phải là công dân Đà Nẵng, hộ nghèo hoặc thực sự bức
xúc về nhà ở… Quy định là vậy, song với lòng tham, nhiều cán bộ, công
chức ở Đà Nẵng vẫn tranh thủ làm đơn xin thuê chung cư, mặc dù đa số đối
tượng này đều có nhà ở đàng hoàng, thậm chí là rất giàu có.
|
Đà Nẵng phát hiện hàng trăm cán bộ, công chức “chiếm dụng” chung cư rồi cho thuê lại với giá cao hơn để kiếm lời. Ảnh minh họa. |
Minh chứng là qua kiểm tra đợt 1, Sở xây dựng Đà Nẵng đã phát hiện
141 trường hợp vi phạm quy định sử dụng chung cư. Trong đó đã có 78
trường hợp trả lại căn hộ; 60 trường hợp UBND TP Đà Nẵng cho tiếp tục
thuê ở nhưng vẫn kiểm tra, theo dõi ở các đợt tiếp theo (vì đây là những
trường hợp khi kiểm tra thì vắng mặt, cho ở nhờ, cho thuê…, sau kiểm
tra đã quay về tiếp tục ở); 03 trường hợp là hộ giải tỏa được bố trí
(hiện nay đã chuyển đổi tên hợp đồng sử dụng nên không còn thuộc diện vi
phạm).
Tiếp tục kiểm tra lần 2 vào tháng 10/2013, khi rà soát tình hình sử
dụng chung cư đối với 7.000 căn hộ (164 đơn nguyên) Sở xây dựng Đà Nẵng
đã phát hiện 118 hộ cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Đã có 2 trường
hợp trả lại căn hộ chung cư, hiện còn 116 trường hợp vi phạm (trong đó
có 22 trường hợp ở không thường xuyên). Ngoài ra còn có 152 trường hợp
vi phạm là hộ khó khăn về nhà ở (trong đó có 23 trường hợp không ở
thường xuyên).
Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, ngày 4/3
vừa qua, Sở Xây dựng đã yêu cầu Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng rà
soát lại thêm một lần nữa để có thông báo gửi cho các đối tượng vi phạm,
đề nghị trả lại căn hộ theo đúng quy định.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho
biết, trong quý 2 năm 2014 này, TP Đà Nẵng sẽ xử lý dứt điểm tình trạng
cán bộ, công chức thuê chung cư rồi cho thuê lại với giá cao hơn để kiếm
lời.
“Nếu là cán bộ Đảng, mặt trận, đoàn thể thì Ban Tổ chức Thành ủy chịu
trách nhiệm; cán bộ chính quyền thì Sở Nội vụ chịu trách nhiệm. Xử lý
nghiêm, công khai, cần thiết thì công bố trên báo đài. Cán bộ, Đảng viên
vi phạm mà không chịu trả lại, giao Ủy ban Kiểm tra chỉ đạo kiểm tra,
xử lý thật nghiêm. Nếu sau khi được vận động, giải thích, yêu cầu trả
lại cho nhà nước mà anh trả lại thì thôi, không kiểm điểm, xử lý bởi vì
cũng do mình quản lý, cấp phát không đúng nên họ tranh thủ xin. Nếu họ
trả lại thì thôi, không xử lý, rút kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý.
Nhưng nếu họ kiên quyết không trả thì vừa buộc trả lại, vừa ra quyết
định xử lý. Nếu là dân thường, giao Sở Xây dựng chỉ đạo các cơ quan liên
quan cần thiết thì khởi kiện ra tòa, buộc phải trả lại cho nhà nước”,
ông Trần Thọ nhấn mạnh.