Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật đặc khu hành chính - kinh tế sẽ được lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra phải nhằm mục tiêu thu hút được những tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới tham gia.
Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thành lập theo định hướng của Chính phủ. Ba đơn vị hành chính này được kỳ vọng sẽ đem lại đột phá mới trong sự phát triển kinh tế nói chung, đồng thời góp phần giúp thị trường BĐS phát triển.
Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thể hiện khá rõ, lĩnh vực BĐS là một trong những ngành nghề được ưu tiên tại hai đặc khu kinh tế là Vân Đồn và Phú Quốc. Cụ thể, Vân Đồn được định hướng sẽ là một đô thị du lịch sinh thái biển – đảo chất lượng cao, còn Phú Quốc được định hướng trở thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế.
Riêng với Bắc Vân Phong, dù được định hướng chủ yếu phát triển về cảng biển nước sâu, dịch vụ logistics cảng biển quốc tế nhưng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cũng là một lĩnh vực được ưu tiên phát triển.
|
Các nhà đầu tư BĐS tìm kiếm gì tại các đặc khu kinh tế? |
Nói về quyết sách này tại Diễn đàn M&A năm 2017 được tổ chức tại Tp.HCM, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh rằng, Nhà nước vẫn đang nghiên cứu, soạn thảo những cơ chế chính sách tối ưu nhất dành cho các đặc khu kinh tế này.
"Trong đó, chúng ta sẽ đi theo hướng doanh nghiệp đang cần gì thì đáp ứng chứ không phải là theo hướng Nhà nước đang muốn gì và phát triển theo hướng đó. Nhiều khi cho mà doanh nghiệp không cần, mà cái cần thì Nhà nước lại không cho. Nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới thể chế theo hướng tự do đầu tư, tự do cạnh tranh... thì các nhà đầu tư sẽ bỏ chạy sang các khu kinh tế của các quốc gia khác. Nhà nước chỉ nên nắm quyền chỉ đạo những vấn đề thuộc đặc thù về chủ quyền, an ninh - quốc phòng, văn hóa cốt lõi...", Bộ trưởng nói.
Điều đáng nói ở đây là các nhà đầu tư BĐS cũng nằm trong nhóm đang được hưởng khá nhiều ưu đãi về đất đai, thuế suất, thủ tục hải quan tại ba đặc khu kinh tế này. Ví dụ, thời hạn sử dụng đất cho các dự án nằm trong các đặc khu kinh tế tối đa là 70 năm. Những dự án có quy mô, tính chất đặc biệt thì thời hạn sử dụng đất tối đa có thể lên tới 99 năm.
Ngoài ra, Nhà nước còn miễn tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước tối đa đối với các dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên; du lịch văn hóa có vốn đầu tư tối thiểu 110 tỷ đồng, dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino có vốn đầu tư tối thiểu là 44.000 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, cả 3 khu này đã được Trung ương cho phép về chủ trương sẽ được hoạt động ngành nghề kinh doanh casino du lịch và không bị hạn chế chỉ như vậy. Tùy vào điều kiện địa lý, bên cạnh những ngành nghề ưu tiên, các khu vực này sẽ có nhiều ngành nghề khác nữa. Ví dụ như Vân Phong là nơi phát triển cảng trung chuyển tốt nhất Việt Nam thì có thể sẽ phát triển logistics hay Vân Đồn phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, sinh học…
Một số chuyên gia cho rằng, nhờ nằm ở vị trí thuận lợi nên ba đặc khu kinh tế này sẽ thu hút được lượng khách du lịch trong nước và quốc tế nên sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, những chính sách ưu đãi cho lĩnh vực kinh doanh BĐS tại các đặc khu cũng sẽ tác động tích cực lên thị trường này.
Đặc biệt, Việt Nam cũng có nhiều mô hình như khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu… từ nhiều năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có một thể chế đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư và phát triển mạnh mẽ theo xu hướng góp vốn của họ. Xu thế chuyển động của làn sóng đầu tư buộc Việt Nam phải đưa ra thể chế mới đủ khả năng hấp dẫn, cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới.
Tại các đặc khu kinh tế này sẽ sớm hình thành nên nhiều siêu dự án TTTM, hành chính, dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn ngang tầm quốc tế, thu hút được lượng vốn nước ngoài lớn vào đây.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng lưu ý, chúng ta phải làm sao để các ngành nghề này không xung đột nhau mà phải bổ sung nhau để phát triển. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu tìm hiểu mô hình phát triển của 13 đặc khu kinh tế phát triển trên thế giới để đúc kết ra một mô hình mới phù hợp với tình hình của Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội cho lĩnh vực BĐS tại các khu kinh tế đặc biệt này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, tại cả 3 vùng được chọn một cách đặc biệt này, không phải mới đây thị trường BĐS nghỉ dưỡng mới được phát triển, mà nhờ vào những lợi thế cảnh quan, đường bờ biển thì các thị trường này đã sôi động từ gần 10 năm qua.
Tuy nhiên, một khi Dự án Luật này được mang ra thảo luận, chờ ý kiến từ Quốc hội đang được xem thì sẽ là một cú hích mạnh mẽ cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Vấn đề lớn nhất mà các nhà đầu tư đang kỳ vọng là những chính sách này sẽ mở rộng cửa cho dòng tiền của họ "chảy" vào các đặc khu kinh tế này một cách ổn định.
"Chính sách dành cho đặc khu kinh tế là những chính sách mang tính ổn định, lâu dài, mọi ách tắc đều phải được giải quyết ngay tại chỗ, chỉ qua một cửa duy nhất. Vấn đề lớn nhất đang được các nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước kỳ vọng nhất vẫn là thời hạn sở hữu nhà đất tại đây như thế nào, bởi nó không thể giống quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 được.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho rằng, những quy định đang được đề xuất trong Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không chỉ mang lại những cơ hội to lớn cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng mà còn kéo theo cả phân khúc nhà ở trung - cao cấp. Những khu vực phát triển thành đặc khu kinh tế trước tới nay chỉ được biết đến vứi hình thức biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, nhưng chắc chắc khi Luật này thông qua thì sẽ tạo một cơn bùng nổ mới cho thị trường nhà ở tại đây.
"Chúng ta phải hình dung các khu vực này trong tương lai sẽ phát triển như Hong Kong, Singapore hay Thẩm Quyến. Ở đó, ngoài phân khúc nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu lớn cho du lịch thì nhà ở cũng sẽ phát triển mạnh, bởi khi đó không còn là ranh giới là người trong hay ngoài nước mà ở đó là một thị trường mở. Theo tôi, giá nhà đất tại các vùng đặc khu kinh tế này trong thời gian tới sẽ có đột biến rất mạnh", TS. Hiển nhận định thêm.
(Nhịp sống kinh tế)