Theo
Báo cáo của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có tổng số khoảng 4.015
dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới với tổng mức đầu tư ước tính gần
4,5 triệu tỷ đồng. Theo báo cáo của 61 địa phương, cả nước có 3.258 dự
án (chiếm 81%) được tiếp tục triển khai với diện tích đất là 81.565 ha.
Ngoài ra, có khoảng 455 dự án với khoảng 21.000 ha cần phải điều
chỉnh cơ cấu cho phù hợp với quy hoạch. Trong đó Hà Nội có 285 dự án cần
điều chỉnh, Tp.HCM có 33 dự án.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước có 470 dự án đã hoàn thành. 287 dự án
chiếm diện tích đất 14.819 ha phải dừng triển khai. Các dự án dừng chủ
yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển
khai tiếp.
Cả nước có 470 trên tổng số khoảng 4.000 dự án đã hoàn thành.
Ngành xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản đã có bước đầu
chuyển biến trong năm 2013 và quý I-2014, tuy nhiên, bất động sản vẫn
chưa hồi phục như kỳ vọng. Để tăng cường quản lý thị trường bất động
sản, cơ quan này đề xuất không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án
phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014,
ngoại trừ các các dự án nhà ở xã hội;
nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng
mỗi m2; dự án cải tạo nhà chung cư cũ. Trường hợp đặc biệt, các địa
phương phải báo cáo cụ thể với Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định trước khi
trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ cho phép điều chỉnh sửa
đổi một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000
tỷ đồng như kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình,
cá nhân từ 10 năm lên 15 năm; Các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức,
viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị có khó khăn về nhà ở được
vay tối đa 840 triệu đồng. Hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở
thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá
1,05 tỷ đồng được vay gói hỗ trợ thay vì khống chế về diện tích và đơn
giá như hiện nay.