Anh Thích chỉ phát hiện ra phần bếp và nhà vệ sinh của căn hộ mới mua với giá 1 triệu tệ (khoảng 3,1 tỷ đồng) là của hàng xóm khi đội thợ đến sửa nhà.
Tìm hiểu thông tin rao bán trên website của một công ty bất động sản, anh Thích đã quyết định xuống tiền mua căn hộ chung cư cũ 47m2 nằm ở trung tâm thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Chia sẻ về quá trình tìm mua nhà, anh nói: "Khi biết căn 902 rao bán, tôi không thấy bản vẽ nên tự mình đến khảo sát. Hiện trạng khi đó là khu bếp và nhà vệ sinh thông với phòng khách của căn 902. Công ty bán có nói khu bếp và vệ sinh được cơi nới thêm nhưng không giải thích gì nhiều, nên tôi nghĩ nó được xây trên phần đất lưu không".
Thêm vào đó, trước khi bán, căn phòng 902 đã có người thuê ở hơn 10 năm nên người đàn ông này lại càng yên tâm và chủ quan không kiểm tra bản vẽ gốc.
|
Anh Thích đứng trong căn hộ 902 đang sửa dở dang, vốn không có bếp và toilet. Ảnh: epaper. |
Sau khi thanh toán hết khoản tiền mua nhà là 980.000 tệ (3,1 tỷ đồng), tháng 8/2019, anh Thích đã đưa thợ đến sửa chữa nhà để vào ở. Tuy nhiên, đang trong quá trình thực hiện thì chủ căn 901 đã đến gặp và nói với anh rằng khu bếp và nhà vệ sinh là thuộc phần diện tích sử dụng trong căn hộ của họ. Do đó, họ yêu cầu anh phải dừng hết mọi việc sữa chữa liên quan đến khu vực này.
"Họ đã đưa giấy tờ và bản vẽ gốc chứng minh. Tôi đã rất sốc vì họ nói đúng", Thích nói.
Được xây dựng từ cuối năm 90, hiện chủ nhân của các căn hộ nằm trong khu chung cư cũ 27 tầng này đều đã di dời đến nơi khác. Vậy nên theo anh Thích: "Rất có thể phòng 901 đạt được thỏa thuận cơi nới thêm khu vệ sinh trên phần đất của phòng 902 từ lâu. Đến khi sang nhượng cho người khác mới phát sinh vấn đề này".
Toàn bộ số tiền tích cóp được anh Thích đã bỏ hết vào căn hộ này nên khi việc thi công bị tạm dừng khiến gia đình anh vẫn phải sống trong cảnh thuê trọ và chẳng biết đến khi nào mới được về nhà mới. Anh Thích đã làm đơn khiếu nại gửi lên cơ quan chức năng tỉnh Quảng Châu để mong sớm được giải quyết.
(vnexpress)