Thông tin thị trường

BĐS Việt Nam quá tập trung vào người giàu

29/08/2014 - 05:10



Theo bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam dư thừa nguồn cung về nhà ở giá cao, thiếu nhà ở giá thấp, đó là sự thất bại của thị trường BĐS Việt Nam.

Khiếm khuyết của thị trường BĐS: Quá tập trung vào người giàu

Trao đổi tại hội thảo về nhà ở xã hội (NƠXH) tại Việt Nam và bài học kinh nghiệm quốc tế Bộ Xây dựng phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, thời gian qua, thị trường BĐS Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong đó một nguyên nhân quan trọng là sự mất cân đối cung – cầu về nhà ở. Sự mất cân đối thể hiện ở việc thừa quá nhiều nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, bình dân. Do đó, tồn kho bất động sản nhiều. Người có nhu cầu về nhà ở thực sự thì không được đáp ứng, do giá nhà bán trên thị trường không phù hợp với khả năng chi trả của người có nhu cầu.

BĐS Việt Nam quá tập trung vào người giàu.

Đánh giá về tình hình nhà ở tại Việt Nam hiện nay, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh. Điều này khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở tại đô thị, đặc biệt là các gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đô thị tại Việt Nam không có nhiều khu ổ chuột như nhiều nước khác, nhưng nếu không giải quyết tốt vấn đề về nhà ở cho người di cư từ nông thôn ra thành thị, người thu nhập thấp, thì sẽ đối mặt sự gia tăng các khu ổ chuột tại đô thị.

Theo bà Kwakwa, thị trường BĐS Việt Nam dư thừa nguồn cung về nhà ở giá cao, thiếu nhà ở giá thấp, đó là sự thất bại của thị trường BĐS Việt Nam.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng: khiếm khuyết của thị trường BĐS là quá tập trung vào người giàu, người có điều kiện làm mất đi khả năng tiếp cận nhà ở của một bộ phận những người thu nhập thấp, công nhân…Từ những nước giàu, những nước có thu nhập trung bình cho đến nước nghèo đông dân đều có chính sách NƠXH nhưng mỗi nước có đặc điểm khác nhau mà có sự hỗ trợ khác nhau. Chúng ta cũng xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển NƠXH từ những thực tế ở nước ta.

Không thể so sánh NƠXH với nhà ở thương mại

Về cách tiếp cận 8 đối tượng trong chính sách hỗ trợ NƠXH hiện nay, ông Nguyễn Quang - Tổ chức định cư con người Liên Hiệp Quốc đặt câu hỏi, bài học về nhà ở thời kỳ bao cấp chúng ta thấy rằng càng bao cấp càng thiếu nhà ở do không có vốn quay ngược trở lại để hỗ trợ cho nguồn cung cấp nhà ở. Khi chúng ta đề ra chiến lược và cách tiếp cận 8 đối tượng của NƠXH, nguồn lực của nhà nước có hạn, vai trò của nhà nước chuyển từ cung cấp sang khuyến khích tạo điều kiện. Vậy thì bài học của thời kỳ bao cấp được lồng ghép vào chiến lược này như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: Đặt ra 8 đối tượng trong chính sách hỗ trợ về nhà ở của chúng ta hiện nay có ý kiến cho rằng, đối tượng chúng ta đưa vào hỗ trợ về nhà ở có vẻ hơi rộng và nhìn màu sắc có vẻ bao cấp nhưng thực ra không phải như vậy.

Chúng tôi vẫn khẳng định là giải quyết nhà ở chủ yếu bằng con đường thị trường để thị trường tự điều chỉnh tự giải quyết để làm sao chính phủ đưa ra một khung pháp lý hợp lý không bỏ quên, bỏ rơi những người thu nhập thấp vốn có những khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở theo giá thị trường.

Nhìn nhận NƠXH trên thị trường nhà ở hiện nay, theo Thứ trưởng Nam: Nói một cách thẳng thắn dù có sự hỗ trợ, quan tâm tính toán hạ tầng tốt có kế sinh nhai thì NƠXH về thực tế mà nói không bao giờ có thể so sánh với nhà ở thương mại bao giờ cũng phải kém hơn. Điều này cần phải nói rõ như vậy.

Từ những kinh nghiệm phát triển NƠXH đã thực hiện thành công tại một số nước, ông Sameh Naguib Wahba, Giám đốc Ban Phát triển đô thị của WB cho biết, muốn phát triển NƠXH thành công, không thể chỉ nhìn vào việc đáp ứng nhu cầu về căn hộ, diện tích sử dụng... mà phải luôn đi kèm với giải quyết vấn đề về sinh kế cho cư dân.

Nhìn vào thực tế nhu cầu nhà ở nước ta hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, cho biết: Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp tại Việt Nam hiện là 11,28 triệu m2, tương đương 282.000 căn. Trong giai đoạn 2013 – 2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m2, tương đương 66.000 căn.

Giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu tăng thêm 3,36 triệu m2, tương đương 84.000 căn. Như vậy, tổng nhu cầu từ nay đến năm 2020 là khoảng 432.000 căn tương đương khoảng 17,28 triệu m2.

 Theo Vietnamnet

 

(Nguồn sưu tầm)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm