Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang dần "nóng" trở lại sau một thời gian trầm lắng (2011-2012). Nhiều người lo ngại đến mặt trái của thị trường này khi các nguồn vốn tín dụng, đầu tư tập trung sang lĩnh vực địa ốc.
Thế nhưng, một số chuyên gia địa ốc nhận định, hiện thị trường BĐS phát triển tương đối ổn định và lành mạnh hơn nhiều so với thời kỳ trước năm 2010 bởi các nhà quản lý, nhà đầu tư đã có những bài học nhất định. Đồng thời, cần phải công bằng nhìn nhận, lĩnh vực BĐS hiện nay đã giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Thị trường BĐS đang "nóng" trở lại là nhờ tác dụng kích thích phát triển
một số ngành kinh tế khác.
Bất động sản là động lực “đầu kéo” của nền kinh tế
Tại một hội thảo mới đây về thị trường BĐS năm 2017, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, khi mọi người nhìn BĐS với nghĩa hẹp một ngành thì đó là việc xây dựng nhà ở. Doanh nghiệp địa ốc chính là những người “thợ xây” biến những thành phố thấp tầng, nhếch nhác, tồi tàn thành các đô thị hiện đại, văn minh với hệ số sử dụng đất cao.
Theo chuyên gia này: "Nếu đặt BĐS trong tổng thể nền kinh tế sẽ thấy những tác động to lớn, mối quan hệ mật thiết, động lực phát triển nhiều ngành nghề khác. Sắt, thép, xi măng, gạch men và các loai vật liệu xây dựng; hạ tầng, logistic; du lịch; nội thất; tư vấn nhà thầu, xây dựng;... là những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ tốc độ đô thị hóa nhanh và sự tăng trưởng của BĐS".
Trong khi đó, tại cuộc họp Đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, năm 2016 là năm “vàng” mà rất lâu mới có một lần của ngành thép khi các doanh nghiệp thép trên sàn đều công bố lãi lớn. Xưa nay, ngành thép phát triển dựa trên quy luật phát triển của BĐS. Thế nên, sự phát triển của địa ốc tác động to lớn, kéo ngành thép phát triển theo.
Vị này đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia nước ngoài cũng như trong nước và cho hay, BĐS vẫn phát triển trong năm 2017, tiêu thụ thép của công ty trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh. Hòa Phát dự kiến lãi không dưới 1.800 tỷ đồng trong quý đầu năm nay. Năm ngoái, doanh nghiệp này cũng lãi sau thuế 6.600 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử phát triển tập đoàn.
"Nóng" dần theo BĐS là các ngành kinh doanh nội thất, thép, sản xuất xi măng,...
Mặt khác, Hòa Phát còn kinh doanh nội thất với mức lãi 400 - 500 tỷ đồng trong năm vừa qua. Lãnh đạo Tập đoàn, ông Trần Đình Long cho rằng, đây là ngành phát triển khá tốt trong bối cảnh đô thị hóa mạnh hiện nay.
Đối với lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons. Bởi lẽ, đây là nhà thầu xây dựng cho hàng loạt các dự án BĐS lớn tại Việt Nam. Coteccons đạt lợi nhuận 1.422 tỷ đồng trong năm 2016, mức cao kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp.
Đáng chú ý, lĩnh vực du lịch dù tưởng không liên quan nhưng lại được hưởng “quả ngọt” từ việc tăng trưởng của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong năm 2015 - 2016. Thực tế cho thấy, với sự tham gia của các doanh nghiệp địa ốc, nguồn cung các sản phẩm du lịch đã tăng mạnh với chất lượng vượt bậc, góp phần không nhỏ trong việc hút 10 triệu du khách nước ngoài trong năm ngoái.
Xu hướng mở rộng để phát triển bền vững
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS, những dãy nhà cửa thấp lụp xụp, các cánh đồng bỏ hoang, các nhà máy trong khu dân cư khói bụi… đã dần được thay thế bằng những khu đô thị văn minh, hiện đại, các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng,... sang trọng. Thực tiễn đó cho thấy, không chỉ phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, của xã hội mà BĐS còn gián tiếp xây dựng hình ảnh quốc gia năng động, phát triển.
Một số" ông lớn" địa ốc cũng đã bắt đầu đầu tư mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, các doanh nghiệp BĐS cũng phải đong đếm lợi ích, thiết kế, thi công, bán hàng. Đặc biệt, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường BĐS đã đem lại lợi ích trước nhất cho người tiêu dùng và xã hội. Hiện nay, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và lựa chọn các sản phẩm nhà ở đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu và điều kiện kinh tế khác nhau… Nhất là, nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp địa ốc mà tiêu chuẩn sống tại các khu đô thị mới liên tục được nâng cao, tạo diện mạo hiện đại, năng động cho xã hội.
Về quy luật phát triển, sự tăng trưởng của BĐS là tất yếu ở bất kỳ một nền kinh tế nào trên thế giới trong giai đoạn tích lũy tư sản, từ thấp đến cao. Do đó, một số quan điểm cho rằng BĐS “không đem lại giá trị gia tăng” là một định kiến. Nếu so sánh cả với Facebook, Microsofl, Apple… cũng khiên cưỡng vì thực chất doanh nghiệp phản ánh trình độ phát triển của kinh tế, xã hội. Rất nhiều các doanh nghiệp tỷ đô tại Âu, Mỹ hiện tại cũng xuất phát điểm từ BĐS và công nghiệp nặng… Trên thực tế, khi đã tích lũy đủ tư sản, họ đều có xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất để phát triển bền vững. Hiện nay, các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam đều đã và đang đi theo xu hướng này.
Trước đây, Tập đoàn Hòa Phát cũng đầu tư lớn vào thép, BĐS nhưng đến nay đã mở rộng đầu tư 20.000 tỷ vào các dự án nông nghiệp như sản xuất cám, chăn nuôi lợn… Ông Trần Đình Long cho hay, mỗi giai đoạn phát triển sẽ có một chiến lược phát triển phù hợp bởi “doanh nghiệp chưa cần nói đến lỗ, chỉ cần đứng lại là chết”.
Tương tự, Tập đoàn Vingroup cũng đang đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào các ngành nghề kinh doanh như bán lẻ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế… góp phần tạo ra hàng trăm ngàn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia. Minh chứng là, hình ảnh các siêu thị Vinmart cộng len lỏi vào từng xóm ngách phục vụ người dân đã cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ của một doanh nghiệp đi lên từ địa ốc và đẩy lùi sự lấn lướt của các đại gia ngoại.
Chính vì vậy, chúng ta không nên nhìn nhận BĐS như một “lát cắt kinh tế” mà nên nhìn nhận sự phát triển của lĩnh vực này có tính tất yếu trong giai đoạn hiện tại cũng như tương lai hướng tới các giá trị lớn hơn của các doanh nghiệp trong ngành này.
(Dân trí)