Quản lý - Quy hoạch

Vì sao Quảng Bình khó phát triển nhà ở xã hội?

05/06/2017 - 11:59

Nhu cầu nhà giá rẻ, nhà ở xã hội tại Quảng Bình hiện đang rất lớn. Mặc dù chính quyền địa phương đã có chủ trương phát triển loại hình nhà ở này rất quyết liệu nhưng việc triển khai vẫn đang ách tắc.

Nhu cầu nhà ở thu nhập thấp lớn

Việc gia tăng dân số tự nhiên và cơ học, sự thay đổi cơ cấu hộ gia đình, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu nâng cao chất lượng, cải tạo nhà ở, tăng diện tích sử dụng khiến nhu cầu về nhà ở đô thị phát sinh. Theo dự báo, so với hiện nay, đến 2020, các đô thị tại Quảng Bình cần xây mới thêm 2,278 triệu m2 nhà ở.

Ngành xây dựng Quảng Bình cho biết, đến năm 2020 sẽ có 40.000 người làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung. Theo đó, số công nhân có nhu cầu về chỗ ở là 30.000 người; tức phải cần đến 390.000m2 nhà ở cho công nhân tại các KCN.

Bên cạnh đó, lượng sinh viên, học sinh lưu trú cũng tăng cao. Cụ thể, đến năm 2020, số lượng này là 30.000 người, trong đó có khoảng 21.000 người cần ở ký túc xá. Tính ra, cần phải xây dựng 1.850 phòng ký túc xa, tương đương 132.300m2 sàn.

Vì sao Quảng Bình khó phát triển nhà ở xã hội?
Đến 2020, các đô thị tại Quảng Bình cần xây mới thêm 2,278 triệu m2 nhà ở.

Mặt khác, nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tại đô thị cũng gia tăng đáng kể. Trong những năm 2011 - 2020, số người thu nhập thấp ở đô thị có khó khăn về nhà ở chiếm khoảng 5% dân số đô thị; đến năm 2015, diện tích nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị cần là 110.700m2 (2.185 căn hộ), đến 2020 là 148.140m2 (2.570 căn hộ).

Trong giai đoạn 2011 - 2020, nhà thu nhập thấp tập trung phát triển ở khu vực TP Đồng Hới. Đó là các dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực phía Bắc đường Trần Quang Khải với quy mô diện tích 80.000m2 sàn xây dựng; vốn đầu tư 550 tỷ đồng.

Tại khu dân cư đường Phan Đình Phùng, dự án nhà thu nhập thấp có quy mô 100.000m2 sàn xây dựng; vốn đầu tư 687 tỷ đồng. Thế nhưng, trên thực tế chưa có dự án nào hoàn thành và đi vào sử dụng.

Nguyên nhân ách tắc, khó triển khai

Nhà ở tại Quảng Bình chủ yếu là do người dân tự xây dựng. Loại hình nhà ở riêng lẻ chiếm tỷ lệ tuyệt đối 99,9%. Trong khi đó, loại hình nhà ở tập thể, nhà thương mại, nhà chung cư không đáng kể. Trong việc phát triển các dự án nhà ở chưa có sự tham gia các thành phần kinh tế, các tổ chức. Nhà nước giữ vai trò tổ chức quy hoạch, đấu giá và cấp quyền sử dụng đất; cho vay vốn, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách để phát triển nhà ở trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở công nhân lao động tại các KCN tập trung, nhà ở cho sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị (Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ). Quảng Bình đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách, cơ chế này. Hiện một số dự án đã đưa vào sử dụng, nhưng so với nhu cầu thực tế, con số này còn quá khiêm tốn.

Hiện tỉnh Quảng Bình có 4 KCN, giải quyết việc làm cho hơn 2.200 công nhân lao động (CNLĐ). Điều đáng nói là, các KCN đều chưa có nhà ở cho CNLĐ thuê ở. Tại các kCN, số CNLĐ có nhu cầu cần về nhà ở chiếm khoảng 75% số CNLĐ. Thế nhưng, các khu nhà ở tập trung xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước và doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 5-7% nhu cầu.

Theo Trưởng phòng Nhà ở và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Quảng Bình), ông Võ Văn Tuần, tại Quảng Bình, các dự án nhà ở thu nhập thấp khó triển khai. Lý do là, nhà ở riêng lẻ chiếm tỷ lệ tuyệt đối, hơn nữa người dân vẫn mang nặng thói quen thuê nhà, chưa có  thói quen ở khu chung cư, nhà thu nhập thấp hay khu tập thể. Mặt khác, do hoàn vốn chậm nên các doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội tại địa phương. Đến năm 2020, dự báo nhu cầu nhà ở cho sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhà ở cho CNLĐ tại các KCN tập trung tăng mạnh. Do đó, việc khởi động xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là cần thiết và cấp bách.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, ông Phạm Quốc Anh chia sẻ, tuy chúng tôi đã có nhiều động thái mời gọi, đốc thúc đầu tư các dự án nhà thu nhập thấp tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được công trình nào. Các doanh nghiệp địa ốc chưa mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này là lý do chính dẫn tới thực trạng trên.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng chưa triển khai đầy đủ Luật Nhà ở. Bởi lẽ, người dân nơi đây chủ yếu tự xây dựng nhà, ý thức và hiểu biết pháp luật của người dân về các quy định về quản lý nhà ở chưa cao. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước chưa tăng cường công tác quản lý nhà ở.

(Báo Xây dựng Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm