Quản lý - Quy hoạch

Vấn nạn "chảy máu" đất công tại Tp.HCM

09/06/2017 - 11:24

Ngày 8/6 vừa qua, Ban Kinh tế ngân sách và HĐND Tp.HCM đã tổ chức buổi giám sát việc sử dụng đất công trên địa bàn TP. Theo đó, nhiều ý kiến bức xúc trước thực trạng đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đất đai của TP.

Thuê đất công rồi mang bán

Nhà nước giao khu đất rộng trên 2.000m2 tại số 360 Xa lộ Hà Nội (quận 9) cho Công ty Colas thuê làm nơi kinh doanh, nhà xưởng. Gần đây, khi sắp hết thời hạn thuê đất, doanh nghiệp này đem khu đất cho Công ty nhũ tương nhựa đường Việt Pháp thuê lại để làm nơi nấu, chế biến nhựa đường thay vì trả lại cho nhà nước. Thực địa cho thấy, các lò đun nhựa đường đang hoạt động rầm rộ, bốc mùi hôi nồng nặc tại khu đất này. Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường hiện đang lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất của Công ty Colas. Chính quyền địa phương sẽ thu hồi, bán đấu giá thu tiền về cho ngân sách TP nếu doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích, gây lãng phí.

Thực tế cho thấy, phần lớn các khu đất công, kho bãi sử dụng lãng phí nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn như, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV đang được giao quản lý và sử dụng khu đất rộng 1.700m2 mặt tiền đường Võ Văn Tần (quận 3) nhưng mấy năm nay đã bỏ hoang khu đất. Khu đất này trước đó được tổng công ty giao lại cho Trường Công nghệ thông tin Sài Gòn, sau đó sử dụng kinh doanh bãi giữ xe, nay khu đất được quây rào, bỏ hoang. Trong khi đó, trên sổ sách, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) quản lý khoảng 6.600 ha đất nhưng thực chất chỉ còn 550 ha, đang trồng ổi, bưởi da xanh, mía...

chảy máu đất công
"Chảy máu" đất công là vấn nạn tại Tp.HCM hiện nay.

Công ty TNHH nhà nước MTV công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) quản lý khu đất rộng trên 26.000m2 với ba mặt tiền, mặt tiền chính nằm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8). Doanh nghiệp đã "cắt" đất cho Công ty Quỳnh Thư thuê làm bãi giữ ô tô suốt một thời gian dài. Đến nay đã được thu hồi và để hoang. Trước thực trạng đó, UBND Tp.HMC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho SSIC được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt để tái cơ cấu tập đoàn. Với kiến nghị này, Văn phòng Thủ tướng đã có văn bản chấp thuận.

Luật quy định, các đơn vị quản lý đất như sở ngành, công ty quản lý nhà TP, các công ty công ích, các huyện, quận đều có thể đấu giá đất. Vì thế, nên tập trung về một đầu mối thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, tránh tình trạng thất thoát.

Ông Nguyễn Toàn Thắng
(Giám đốc Sở TN-MT Tp.HCM)

Bên cạnh đó, không ít khu đất công đã bị đơn vị thuê đất “hô biến” thành đất tư nhân rồi đem bán kiếm lợi. Thời gian qua, dư luận rất bức xúc trước tình trạng chảy máu đất công hoặc đất công được định giá rẻ mạt. Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Tp.HCM,ông Võ Công Lực cho biết, rất nhiều quỹ đất công của TP đang cho các doanh nghiệp thuê bị sử dụng lãng phí, sử dụng sai mục đích, thậm chí là bỏ hoang. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn tự ý cắt đất giao cho công chức, cán bộ. Nhất là, ở nhiều nơi dân còn chiếm giữ trái phép đất công. Ông Lực phân tích: “Theo quy định của nhà nước, doanh nghiệp phải tự di dời các hộ dân nhưng thực tế không đơn vị nào thực hiện, điều này dẫn đến việc nhà nước không thu hồi được đất. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích hoặc hết thời hạn thuê đất bị thu hồi nhưng không thực thi quyết định, không hợp tác thu hồi, đùn đẩy trách nhiệm cho TP. Theo đó, TP lại một lần nữa bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng để thu hồi đất. Việc thu hồi đất công bị kéo dài nhiều năm là vì vậy".

Thu hồi đất công đem đấu giá

Trước nạn "chảy máu" đất công, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương dừng việc chuyển đổi đất công, đồng thời tăng cường rà soát lại quỹ đất. Ông Võ Công Lực cho biết, tính đến cuối năm 2016, Tp.HCM đang lập thủ tục đấu giá, thu hồi 108 khu đất tổng diện tích trên 213 ha. Hiện mới thu hồi và tiếp nhận được 88 khu đất, diện tích trên 204 ha, đang xử lý thu hồi 21 khu đất với diện tích hơn 8,2 ha. Sau khi tiếp nhận, những khu đất này sẽ được đem đấu giá, làm quỹ đất đối ứng cho các dự án BT… Trong khi đó, với những khu đất chưa sử dụng, Trung tâm phát triển quỹ đất TP khai thác tạm bằng cách cho thuê kinh doanh, làm bãi đậu xe...

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng nhận định, quỹ đất công phải được đem đấu giá để tạo nguồn vốn cho TP, hiện TP đang khó khăn, thiếu quỹ đất để đối ứng trong các dự án BT. Đối với các quỹ đất được TP giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa thực hiện, TP chủ trương cho thuê ngắn hạn và nộp vào ngân sách toàn bộ tiền thu được. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị: "Các đơn vị quản lý đất như sở ngành, công ty quản lý nhà TP, các công ty công ích, các huyện quận đều có thể đấu giá đất. Vì vậy, nên tập trung về một đầu mối thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, tránh tình trạng thất thoát".

Trong khi đó, theo đại diện Sở Tài chính TP, với những đơn vị đang thuê đất công, TP cho phép tiếp tục sử dụng nếu sử dụng đất đúng mục đích. Ngược lại, TP sẽ thu hồi, sắp xếp theo Quyết định 09 hoặc giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý khai thác. Còn những quỹ đất mà đơn vị quản lý cắt giao cho cán bộ, công chức ở, nhà nước thu hồi nhưng nhiều đơn vị cố tình không thực hiện, không tự bồi thường giá trị tài sản trên đất cho người được giao đất thì TP yêu cầu chuyển giao nguyên trạng về để TP tự xử lý theo luật định. Trường hợp mặt bằng sử dụng không hiệu quả, TP sẽ làm việc với các bộ ngành để thu hồi giao TP quản lý. Hiện Bộ Tài chính đã đồng ý quan điểm này của Tp.HCM.

(Thanh niên online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm