Quản lý - Quy hoạch

Trung tâm thương mại hàng chục tỷ đồng ở Bình Phước bị bỏ hoang

29/08/2014 - 05:10

Chợ xây xong bỏ không

Trung tâm thương mại Lộc Hiệp được xây dựng từ tháng 5/2011, trên diện tích 13.659m2 và đã cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2011, ở vị trí thuận lợi, nằm ngay cạnh Quốc lộ 13 và được coi là chợ nông thôn đẹp, hiện đại của tỉnh Bình Phước. Trung tâm thương mại này được thiết kế với 116 sạp, 93 ki-ốt và gần 100 nhà phố xung quanh. Từ xa, trông chợ Lộc Hiệp thật đẹp và khang trang, hiện đại với hệ thống cấp thoát nước, phòng, chống cháy, nổ đầy đủ.

Nhưng chỉ tiếc rằng, sau hơn hai năm xây dựng xong, chợ này vẫn chưa một lần họp, vì các hộ tiểu thương vẫn kiên trì bám trụ chợ cũ (đã xuống cấp) để buôn bán. Một cảnh tượng trái ngược với chợ mới là chợ Lộc Hiệp cũ vẫn nhộn nhịp, tấp nập bán mua. Được biết, có khoảng 30 hộ đã đăng ký buôn bán tại chợ mới, nhưng chưa ai vào kinh doanh vì chẳng có khách hàng nào chịu vào đây mua sắm. Khi chúng tôi đến chỉ thấy vài hộ ở dãy nhà phố xung quanh chợ mở cửa.

Bên trong chợ Lộc Hiệp mới, các ki-ốt đều đóng cửa, nhà điều hành không có người. Mặt tiền chợ là một cái sân rộng, chờ cả tiếng đồng hồ mới thấp thoáng một vài bóng người qua lại. Buổi chiều, các hộ dân gần chợ tận dụng sân trống để chơi thể thao. Nhiều ki-ốt mặt tiền vẫn đóng im ỉm, một vài cái cửa cuốn mở ra chẳng ai sập xuống đã xuống cấp, nghiêng ngả, xộc xệch. Nhiều ki-ốt đã xuất hiện những vết rạn nứt, nền nhà bị lún nhiều chỗ.

Trung tâm thương mại Lộc Hiệp bỏ hoang hơn hai năm nay

Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng ban Quản lý chợ Lộc Hiệp, bày tỏ trăn trở: "Chợ mới xây khang trang, hoàn thành cách đây hơn hai năm nhưng nhiều hạng mục chất lượng kém, đến nay chẳng có hộ nào vào kinh doanh. Chợ cũ thì chật hẹp, xuống cấp, không an toàn nhưng bà con không chịu vào chợ mới. Thật đáng tiếc!".

Chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết

Khi xây dựng, chủ đầu tư cùng với UBND xã Lộc Hiệp đã lấy ý kiến của tiểu thương chợ cũ và được đồng tình. Chủ trương xây dựng chợ mới đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của các hộ kinh doanh ở chợ cũ. Trong cuộc họp với các hộ kinh doanh, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hương Thịnh Nghi Sơn hứa với bà con, khi chợ xây xong sẽ có chính sách ưu đãi, ưu tiên sắp xếp cho các tiểu thương ở chợ cũ vào chợ mới kinh doanh theo thứ tự ở chợ cũ và được bốc thăm trước. Nhưng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế, diện tích các ki-ốt xây hẹp lại, không thống nhất. Khi họp dân chuẩn bị xây dựng, chủ đầu tư thông báo diện tích mỗi ki-ốt là 16m2, nhưng hoàn thành thực tế chỉ còn 12,5m2 là quá nhỏ, không thuận lợi cho việc kinh doanh.

Bà Lê Thị Lắm, một tiểu thương hiện đang buôn bán ở chợ cũ nói: “Chợ mới xây xong chủ đầu tư không ưu tiên cho các hộ kinh doanh ở chợ cũ bốc thăm trước. Khi thông báo bán đơn, tôi đăng ký mua đơn không được. Tôi hỏi chủ đầu tư thì họ trả lời, ai có tiền đăng ký trước thì bán trước, không ưu tiên ai cả. Chúng tôi được biết, những hộ đăng ký mua ki-ốt ở chợ mới đều là những người ở nơi khác đến mua nhằm bán lại với giá cao để hưởng chênh lệch”.

Chị Đặng Thị Vũ buôn bán tại chợ cũ hơn 20 năm nay buồn rầu nói: “Khi họp xây dựng chợ mới để di dời chợ cũ đã thống nhất sẽ bốc thăm theo vị trí tương ứng, chúng tôi mới đồng ý di dời. Chúng tôi bức xúc nhất là khi tổ chức bốc thăm không minh bạch, một số sạp chủ đầu tư còn bán cho 2-3 người nên đã xảy ra tranh chấp. Khi có thông báo bốc thăm, chúng tôi đến thì những ki-ốt có vị trí thuận lợi đã bán hết. Chủ đầu tư tự ý bán, tôi đến đăng ký mua thì đã hết. Nếu chợ cũ bỏ thì chúng tôi ra đường ở, biết sống bằng nghề gì”.

Sự việc này đã được các hộ tiểu thương chợ Lộc Hiệp làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị can thiệp. Đến cuối năm 2013, Thanh tra tỉnh Bình Phước đã có buổi đối thoại với những hộ kinh doanh này để tìm cách giải quyết. Tại buổi làm việc, Thanh tra tỉnh và UBND xã Lộc Hiệp cùng thống nhất đề nghị các cơ quan chức năng xem xét ưu tiên cho các hộ tiểu thương kinh doanh ở chợ Lộc Hiệp cũ được mua sạp, ki-ốt, nhà liền kề tại chợ Lộc Hiệp mới (theo thứ tự kinh doanh ở chợ cũ) để các hộ này tiếp tục buôn bán, ổn định cuộc sống. Nhưng đến nay mọi việc vẫn trong sự "im lặng khó hiểu", các hộ tiểu thương vẫn buôn bán ở chợ cũ, chật hẹp, mất vệ sinh, dễ xảy ra cháy nổ, mất an toàn.

Những hộ kinh doanh ở chợ Lộc Hiệp khẳng định với chúng tôi, lý do không vào chợ mới là do giá mỗi ki-ốt đẩy lên quá cao (lúc đầu giá 27 triệu đồng nay tăng lên 35-40 triệu đồng). Hơn nữa, diện tích ki-ốt lại quá nhỏ không đủ để kinh doanh và không bốc thăm theo thứ tự như sắp xếp các sạp ở chợ cũ. Do vậy, hiện nay hơn 70% tiểu thương ở chợ cũ không có chỗ tại chợ mới để kinh doanh. Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh cần có biện pháp xử lý thỏa đáng, không nên để tình trạng này kéo dài, bảo đảm quyền lợi của tiểu thương và người tiêu dùng.

Theo BDS

 

(Nguồn sưu tầm)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm