Báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Tp.HCM cho biết, trong hơn 11.400 hồ sơ cơ quan này tiếp nhận từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 để trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp giấy chứng nhận thì có gần 2 nghìn hồ sơ trả về huyện, quận do có sai sót trong quá trình thụ lý hồ sơ.
Trong buổi giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường về việc cấp giấy chứng nhận ngày 4/11 vừa qua, một đại biểu MTTQ Việt Nam Tp.HCM phát biểu: “Những nguyên nhân mà Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra để lý giải cho việc chậm trễ giải quyết hồ sơ cấp giấy cho người dân đều là nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt, không ít cán bộ Tài nguyên - Môi trường hiểu về Luật Đất đai còn khập khễnh, điều này rất đáng quan ngại”.
Việc trả lại hồ sơ để điều chỉnh lại cho đúng đã kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân.
Do cán bộ sai sót nên Tp.HCM phải trả về gần 2 nghìn hồ sơ nhà đất.
(Ảnh minh họa, nguồn: Batdongsan.com.vn)
Phó Giám đốc VPĐKĐĐ ông Phạm Gia Hòa cho hay, trong những hồ sơ phải trả lại để điều chỉnh có những trường hợp sai tên, sai địa chỉ, sai số chứng minh của người sử dụng. Ông Hòa cho biết thêm: “Thậm chí có những trường hợp anh em không phát hiện ra trong quá trình thụ lý hồ sơ và khi ký giấy xong mới phát hiện nên phải ký lại”.
Trước đây đã xảy ra tình trạng sau khi ký ban hành giấy thì người dân không chịu nhận do tiền sử dụng đất quá cao, người dân không có khả năng đóng cũng như không ghi nợ. Trước thực trạng đó, Luật Đất đai 2013 quy định việc cấp giấy chứng nhận phải được thực hiện sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nhưng hiện một số huyện, quận vẫn thực hiện theo quy định cũ là trình ký giấy xong mới bắt đầu làm phiếu chuyển thuế, ông Hòa cho biết và nói: “Luật Đất đai mới đã quy định rất rõ như trên song nhiều chi nhánh VPĐKĐĐ hiện không theo kịp, do đó Sở Tài nguyên - Môi trường phải có văn bản nhắc nhở. Hơn nữa, việc này cũng tốn khá nhiều thời gian nên dẫn tới chậm cấp giấy chứng nhận cho dân".
Bên cạnh đó, một số trường hợp khi VPĐKĐĐ chi nhánh tại các huyện, quận chuyển lên Sở Tài nguyên - Môi trường ký cấp giấy, tuy nhiên tờ trình về pháp lý chưa rõ ràng. Ví dụ, trường hợp cấp lại giấy chứng nhận do bị mất song tờ trình không báo rõ kết quả niêm yết việc bị mất giấy. Thậm chí, một số nơi còn hiểu nhầm niêm yết đủ điều kiện cấp giấy và niêm yết mất giấy là một, thế nên cũng phải trả về điều chỉnh lại.
Mặt khác, một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cũng thừa nhận là có tình trạng năng lực cán bộ phòng Tài nguyên - Môi trường chưa theo kịp Luật Đất đai nên còn có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau về quy định pháp luật. Vị này cho biết: “Luật Đất đai 2013 đã có 9 nghị định và hơn 30 thông tư liên tịch, thông tư để hướng dẫn thực hiện. Trong trường hợp cán bộ Tài nguyên - Môi trường không đọc, không nghiên cứu kỹ thì trong quá trình vận dụng vào thực tiễn dễ mắc sai sót".
Được biết, thời gian tới Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tuyên truyền pháp luật đất đai và tập huấn cho đội ngũ cán bộ những quy định của luật để hạn chế các sai sót trong quá trình giải quyết hồ sơ.
(Pháp luật Tp.HCM Online)