Phần diện tích trên được chuyển đổi từ đất nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp tại địa phương.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển diễn ra vào ngày 6/12 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM tham gia hội thảo đã phân tích, giá trị gia tăng công nghiệp TP chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khoảng 16% của cả nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
tham quan các gian hàng trưng bày tại hội thảo ngày 6/12.
Dù tiềm năng rất lớn nhưng việc phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu vẫn chưa thực sự tương xứng do doanh nghiệp còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu, thiết bị, công nghệ hạn chế, sức cạnh tranh thấp, giá thành và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn chưa cao. Ngoài ra, các khoản chi phí đầu tư vào hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng tăng do các DN sản xuất công nghiệp TP có xu hướng dịch chuyển ra các tỉnh; nhu cầu sản xuất của các DN đã vượt so với quỹ đất dành cho công nghiệp; vẫn còn hạn chế về sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cũng như các DN có vốn ngoại.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong nêu: "Chúng ta đã xác định rõ vấn đề đặt ra là trong giai đoạn tới, cần có các giải pháp phát triển công nghiệp một cách tập trung hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta đều biết, nguồn lực phát triển công nghiệp có giới hạn nên cần phải xác định những ngành công nghiệp nào là trọng tâm để tập trung đầu tư ưu tiên phát triển cho phù hợp". Cùng với đó, ông cũng cho biết thêm một trong những giải pháp chiến lược cho ngành công nghiệp TP hiện nay chính là lựa chọn đúng ngành.
Chủ tịch TP cũng thông tin, Chính phủ đã phe duyệt phương án chuyển hơn 30.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn TP sang đất khác, trong đó có 1.999ha cho phát triển công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2021. Chủ tịch khẳng định: "Ưu tiên sắp tới là có chính sách mời gọi các nhà đầu tư, mặt khác có chính sách tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư thuận lợi".
Còn Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Những hạn chế hiện nay là do cơ cấu quản lý công nghiệp chưa tối ưu. Bài học sắp tới là phải tăng cường đối thoại với DN nhiều hơn để nắm bắt DN muốn gì, cần gì để từ đó tiến tới hình thành chương trình phát triển công nghiệp TP”.
(Người lao động)