Quản lý - Quy hoạch

Tp.HCM: Nhà xây trên kênh rạch sau tháng 6/2004 phải tháo dỡ

29/08/2014 - 05:10

Di dời gần 1.300 hộ dân

Tại cuộc họp, ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, báo cáo: Sau thời điểm TP ban hành Quyết định (QĐ) 150/2004 quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch (QĐ 150) đã có 1.860 trường hợp vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là cải tạo, sửa chữa nhà không phù hợp nội dung (thay đổi kết cấu chính từ cột cây, vách mái sang tường gạch, gia cố móng), gia cố bờ kè. Ngoài ra còn có tình trạng người dân xây nhà trái phép trên đất nằm trong hành lang bảo vệ sông - kênh - rạch. Đến nay, Sở Xây dựng đã xử lý được 522 trường hợp vi phạm.

Để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài, theo ông Long, ngoài nguyên nhân quản lý chưa kiên quyết của các địa phương còn có nguyên nhân khách quan. Ngay sau khi ban hành QĐ 150, các cơ quan chức năng không ban hành quy định mép bờ cao để xác định chỉ giới, bờ sông liên tục bồi, lở khiến mép bờ cao thay đổi… Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, đề xuất trong số các công trình vi phạm chưa xử lý, trường hợp có trước QĐ 150 thì cho tồn tại theo hiện trạng. Nếu nhà ở xuống cấp, có nhu cầu gia cố, sửa chữa thì phạm vi tính từ mép bờ cao vào 20 m được sửa chữa cải tạo theo nguyên trạng, từ 20-50 m cho cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc cấp phép xây dựng tạm với quy mô 1 tầng.

Rất nhiều hộ dân sống trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, Tp.HCM) vi phạm hành lang bảo vệ kênh Tàu Hũ
Rất nhiều hộ dân sống trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, Tp.HCM) vi phạm
hành lang bảo vệ kênh Tàu Hũ

Trước băn khoăn của các địa phương về quy định sửa chữa theo “hiện trạng”, ông Tuấn cũng hướng dẫn có thể sửa chữa kiên cố hơn như thay mái, vách bằng tôn, ngói, gỗ, tường gạch… miễn không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu hiện trạng cũ. Trường hợp công trình vi phạm sau QĐ 150, giao UBND quận, huyện vận động người dân tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu.

Trước mắt, để giải quyết nơi ở và các bức xúc cho người dân, ông Nguyễn Hữu Tín cơ bản đồng ý với các giải pháp của Sở Xây dựng. Về lâu dài, TP và các địa phương phải lên kế hoạch và chuẩn bị quỹ nhà để di dời dần các hộ dân. Theo kế hoạch, trong năm 2014, TP sẽ di dời gần 1.300 hộ dân sống trong các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng ven kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao.

Nhà trong dự án phải xem xét lại

Theo QĐ 150, các dự án đã có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 trước thời điểm có QĐ 150 thì vẫn được triển khai đầu tư xây dựng theo đúng quy mô công trình đã được duyệt.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho biết có nhiều điểm khó với quy định này. Chỉ riêng phường Thảo Điền đã có 34 dự án được duyệt quy hoạch 1/500, khoảng 210 lô đất trống nằm cập các sông - kênh - rạch mà chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, chủ đầu tư xin phép xây dựng, quận cũng lúng túng: Theo QĐ 150 thì phải cấp phép xây dựng nhưng nếu cho phép xây dựng với số lượng công trình lớn như vậy sẽ không giữ được hành lang bảo vệ sông. Ngoài ra, người dân có đất nằm trong hành lang bảo vệ sông - kênh - rạch muốn cho con cái ra riêng thì có được phép cất căn nhà mới bên cạnh căn nhà hiện hữu? Người dân có cam kết không yêu cầu bồi thường khi nhà nước thu hồi đất? Đây cũng là bức xúc của người dân tại nhiều quận, huyện khác.

Ông Tín chỉ đạo dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500 vẫn theo hướng dẫn của QĐ 150 nhưng lưu ý tuyệt đối không xây sát mép bờ cao, phải có khoảng cách từ 5-10 m để tránh sạt lở và bảo đảm tính mạng người dân, giao Sở Giao thông Vận tải tính toán cụ thể về khoảng cách này. Đối với những trường hợp quá nhiều công trình như quận 2 và vấn đề xây dựng tạm trên đất trống trong hành lang, ông Tín sẽ xin ý kiến của tập thể lãnh đạo UBND TP. 

Cấp 10 tỉ đồng để cắm mốc

Theo báo cáo của Sở Giao thông  Vận tải, việc xác định mép bờ cao các sông - kênh - rạch mới chỉ nằm trên giấy, chưa tiến hành cắm mốc được. Sở đã nhiều lần có văn bản đề xuất đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời là chưa có kinh phí (dự toán khoảng 10 tỉ đồng). Ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng công tác cắm mốc rất quan trọng, không chỉ để quản lý mà còn là cơ sở để xử phạt vi phạm, do đó UBND TP sẽ cấp ngay 10 tỉ đồng để các sở, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành công tác cắm mốc xác định mép bờ cao sông - kênh - rạch.

(Theo PLTP)

 

(Nguồn sưu tầm)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm