Nội dung đề nghị dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế của UBND tỉnh Kiên Giang vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến.
Sau khi chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc và lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Thủ tướng thông qua vào tháng 6/2018, tỉnh Kiên Giang đã tiến hành lực chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài thực hiện việc lập quy hoạch theo đúng các quy định của Luật Đấu thầu và các luật liên quan.
|
Ảnh chụp tổng thể đảo Phú Quốc từ trên cao. Ảnh: Hữu Khoa. |
Nhưng đến đầu tháng 8/2019, Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã gửi Thủ tướng văn bản đề nghị cho phép dừng lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành "đặc khu kinh tế" cho đến khi Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đồng thời, người đứng đầu tỉnh cũng đề nghị được lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành "khu kinh tế" bằng nguồn vốn địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc Dự án Luật Đặc khu chưa được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật sau khi hoãn vào cuối năm 2018 khiến việc xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định chưa được rõ ràng, dẫn đến không ít vướng mắc phát sinh trong quá trình lập quy hoạch tỉnh.
Tuy nhiên, đề nghị trên của tỉnh Kiên Giang đã không được Thủ tướng chấp thuận, đồng thời giao tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) theo nội dung văn bản số 739 tháng 6/2018 của Thủ tướng. Việc lập quy hoạch cần đảm bảo được tính đồng bộ và thống nhất với các quy hoạch liên quan cũng như luật định.
Khu kinh tế theo Nghị định 29/2018 là khu vực sở hữu không gian kinh tế riêng biệt, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi đối với các nhà đầu tư. Diện tích tối thiểu của một khu kinh tế là 100km2, nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế khu vực, có cảng biển nước sâu hoặc gần sân bay, có sự kết nối thuận tiện với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia cũng như quốc tế...
Tuy cũng được hưởng một số ưu đãi về thuế và các ngành nghề ưu tiên nhưng mức ưu đãi của khu kinh tế thấp hơn so với nội dung dự kiến triển khai đặc khu kinh tế.
Hiện tại, Việt Nam đang có một số khu kinh tế như Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất, Đình Vũ - Cát Hải, Nhơn Hội...
Bộ Chính trị đã đưa ra định hướng đặc khu kinh tế và dự kiến sẽ triển khai tại ba huyện đảo là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Vân Phong của Khánh Hoà, Phú Quốc thuộc Kiên Giang. Tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10/2017, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cho ba nơi trên, sau đó được tiếp thu, chỉnh lý.
Dự án luật này đã được Quốc hội biểu quyết đồng ý lùi thời gian xây dựng hồi tháng 6/2018 với số đại biểu tán thành là hơn 85%.
(vnexpress)