Quản lý - Quy hoạch

Thủ tục nhân thân: Rào cản Việt kiều mua nhà

01/07/2015 - 07:38

Kể từ ngày 1/7/2015 Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực,tuy nhiên nghị định hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa soạn thảo xong khiến nhiều người băn khoăn chưa biết luật sẽ được thực thi ra sao, nhất là quy định cho Việt kiều mua nhà trong nước.

Việt kiều mua nhà tại Việt Nam
Việt kiều gặp khó khăn trong việc chứng minh là người gốc Việt để đảm bảo
 quyền lợi mua nhà trong nước (Ảnh minh họa, nguồn: hieuminh)

Vào ngày 30/6 vừa qua, tại hội thảo về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu đưa ra kiến nghị về quy định giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở tại điều 6 của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Nhà ở 2014.

Theo đó, theo quy định của dự thảo, người gốc Việt phải có hộ chiếu nước ngoài và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Chủ tịch HoREA đề nghị phải nêu rõ cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là cơ quan nào để thuận tiện cho người làm thủ tục. Theo ông Châu, hiện luật đã mở cửa nhưng Việt kiều vẫn gặp khó trong việc chứng minh nhân thân là người gốc Việt. Trên thực tế, “có nhiều người Việt rời Việt Nam trước thời điểm 30/4/1975 đã bị mất hết giấy tờ tùy thân đem theo, trong khi những giấy tờ gốc ở trong nước cũng không còn lưu lại. Như vậy, làm sao để họ chứng minh được nguồn gốc là người Việt để đảm bảo quyền lợi được mua nhà ở trong nước?”.

Nhằm giải quyết thực trạng trên, ông Châu đề xuất: Giấy thông hành (passport) của nhiều nước đều ghi rõ quốc tịch và nơi sinh. Chẳng hạn như ở Mỹ sẽ ghi rõ nơi sinh: Việt Nam, quốc tịch: Mỹ. “Đây là nguồn thông tin chính thống và đáng tin cậy của quốc gia sở tại... Với trường hợp là thế hệ thứ 2 trở đi thì có thể chỉ cần thêm chứng từ xác nhận quan hệ huyết thống với người gốc Việt thế hệ thứ nhất để xác nhận nguồn gốc người Việt”, Chủ tịch HoREA nói.

Ngoài ra, trong buổi Hội thảo, đại diện HoREA cũng đưa ra kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước đồng ý triển khai thí điểm cho phép các công ty bảo hiểm có uy tín, có năng lực và thương hiệu thực hiện bảo lãnh theo phương thức bảo hiểm rủi ro khi mua bán bất động sản hình thành trong tương lai. Theo đó, danh sách công ty bảo hiểm sẽ do cơ quan có thẩm quyền lập và công bố.

Theo đề xuất của đại diện một số doanh nghiệp, khi bảo lãnh chỉ nên tính phí trên 70% tổng giá trị dự án bất động sản hình thành trong tương lai, vì chủ đầu tư cũng chỉ huy động tối đa được 70% giá trị sản phẩm từ khách hàng trước khi giao nhà. Việc này sẽ giảm được khoản phí khá lớn cho các dự án cần bảo lãnh trước khi bán, nhờ đó cũng giảm được giá thành để giảm giá bán.

(Thanh niên online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm