Quản lý - Quy hoạch

Thu thuế sử dụng đất không hiệu quả, có nên thu?

02/11/2015 - 07:39

Vào ngày 27/10/2015, Bộ Tài chính trình Quốc hội Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế. Hầu hết ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề nghị của Bộ Tài chính về việc miễn thuế sử dụng đất (TSDĐ) phi nông nghiệp đối với hộ gia đình có mức nộp dưới 50.000 đồng/năm để góp phần cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí cho công tác hành thu.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ miễn thuế đối với cá nhân, hộ gia đình có số tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay: “Những ý kiến không đồng tình với đề nghị này đều cho rằng việc quy định chế độ thu không chỉ là số thu mà để góp phần nâng cao ý thức của người dân đóng góp cho cộng đồng và tăng cường công tác quản lý đất đai”.

Có khoảng 16 triệu hộ gia đình hiện phải nộp TSDĐ phi nông nghiệp và trong đó có đến 12,6 triệu hộ phải nộp với mức thuế 50.000 đồng/năm trở xuống với tổng số thu năm 2014 chưa tới 160 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí nhân lực, tiền bạc và thời gian quá lớn, đó là chưa kể đa số hộ gia đình phải nộp mức thuế dưới 50.000 đồng đều thuộc diện khó khăn, số liệu của Bộ Tài chính cho biết.

thuế sử dụng đất
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế đối với cá nhân, hộ gia đình có số tiền thuế sử
dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Đinh Tiến Dũng: “Một khi được Quốc hội đồng ý thì cơ quan thuế sẽ giảm được thủ tục hành chính trong kê khai, quản lý thuế, nộp thuế, tạo điều kiện cho cơ quan thuế tập trung lực lượng để quản lý có hiệu quả các nguồn thu ngân sách, tăng cường đấu tranh chống thất thu cũng như chống chuyển giá tốt hơn”. Ông Dũng đề nghị Quốc hội đồng ý miễn thuế đối với các cá nhân, hộ gia đình có số TSDĐ phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống.

Tại tỉnh Đồng Nai, Tân Phú là huyện vùng sâu vùng xa, số thu của huyện này những năm trước đây cũng được trên dưới 90 tỷ đồng, thế nhưng từ năm 2014 Nghị định 209/2013/NĐ-CP cho phép cơ sở kinh doanh không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hay chỉ sơ chế bán cho hợp tác xã, doanh nghiệp nên số thu của huyện này chỉ còn khoảng từ 50-60 tỷ đồng.

Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Tân Phú ông Nguyễn Văn Hoa chia sẻ: “Việc không thu thuế giá trị gia tăng (5%) đối với sản phẩm trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi chưa chế biến hoặc sơ chế khiến rất nhiều địa phương gặp khó khăn về thu ngân sách, vì thế mong muốn có thêm nguồn để khai thác, dĩ nhiên trong đó có nguồn thu từ TSDĐ phi nông nghiệp. Song cơ quan thuế bỏ rất nhiều thời gian, chi phí, công sức để thu được khoản này. Lý do là, rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn Tân Phú chỉ phải nộp thuế từ 15.000 - 30.000 đồng/năm, hoặc thậm chí là từ 5.000 - 7.000 đồng/năm, nếu cơ quan thuế không thu thì vi phạm các chính sách thuế mà đi thu thì tiền thu được không bù đắp được chi phí đi thu và chi phí quản lý”.

Huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) tuy không nằm trong địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như huyện Tân Phú nói trên nhưng để thu được TSDĐ phi nông nghiệp ở huyện này cũng không phải dễ dàng gì. Các hộ gia đình có số TSDĐ phi nông nghiệp từ 50.000 đồng trở xuống thường rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo có rất ít đất sản xuất nên thường phải đi xa làm ăn. Cán bộ thuế phải đi năm lần bảy lượt để thu được số tiền ít ỏi này, thậm chí số tiền thu được không đủ chi phí xăng xe của cán bộ thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Xuyên Mộc ông Trương Kim Tân cho biết và nói: “Thu thuế TSDĐ phi nông nghiệp có mức dưới 50.000 đồng/năm chẳng khác gì việc “bỏ con cá rô bắt con săn sắt”, thế nhưng không thu không được bởi nếu không thu thì người dân không biết nộp ở đâu, hơn nữa khi họ có việc cần phải xin của chính quyền địa phương xác nhận các loại giấy tờ, hồ sơ nào đó sẽ rất phiền phức bởi chưa thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Dù rất tốn công sức nhưng số thuế thu được quá nhỏ nên nhiều cán bộ thuế muốn bỏ tiền túi ra đóng thay song như vậy sẽ vi phạm chính sách về thuế".

(Báo Đầu tư Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm