Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, quỹ đất và tâm lý của người dân vẫn coi trọng sở hữu nhà.
Toàn quốc hiện đã hoàn thành 198 dự án nhà ở xã hội, cung ứng cho thị trường trên 81.700 căn hộ với khoảng 4,1 triệu m2 nhà ở. Đáng chú ý, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị đã hoàn thành đầu tư xây dựng 98 dự án, cung cấp trên 40.700 căn hộ.
Tính đến tháng 12 năm ngoái, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 100 dự án, cung ứng cho thị trường hơn 41.000 căn hộ. Hiện tại, có 89 dự án nhà ở cho sinh viên, học sinh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu của gần 200.000 sinh viên. Lượng dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện là 6 dự án. Tỷ lệ bình quân lượng học sinh, sinh viên được bố trí vào ở đạt 82%.
Việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt 33% so với mục tiêu nhà ở Quốc gia.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, so với mục tiêu phát triển nhà ở Quốc gia tới năm 2020, việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt 30% và cần trên 12 triệu m2 nhà ở xã hội nữa.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Sinh cho hay, sở dĩ việc phát triển nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế là do thiếu nguồn vốn, chính quyền địa phương chưa quan tâm thích đáng, chưa bố trí đủ quỹ đất.
Ông Sinh cho rằng: "Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Người dân còn có tâm lý coi trọng sở hữu nhà hơn là thuê mua nhà ở xã hội".
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam đánh giá, việc triển khai thực hiện gói tín dụng hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng trước đây rất hiệu quả, thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội. Đồng thời, gói tín dụng này cũng có tác dụng lan truyền từ loại hình nhà ở này sang các phân khúc khác.
Theo ông Nam, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần khẩn trương triển khai cơ chế bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại cổ phần cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư dự án. Tính ra, với 1 tỷ đồng bù lãi suất có khả năng huy động thêm 33,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách (mức bù lãi suất dự tính là 3%/năm). Như vậy, điều này sẽ góp phần vào việc huy động được nguồn vốn lớn ngoài ngân sách cho việc phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu hiện đang rất lớn.
(VOV)