Không ai bảo vệ người mua nhà
Ngày 6.9, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng
Nhân dân thành phố đã có buổi giám sát về tình hình thực hiện Luật Nhà ở
và Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn TPHCM.
Sau khi nghe Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS TPHCM báo
cáo về tình hình thực hiện Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS, đại biểu
Quốc hội Trần Du Lịch đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý đang tồn tại trong 2
luật quan trọng này.
“Điều 39 Luật kinh doanh BĐS quy định về điều kiện huy động vốn, theo
tôi không nên quy định cứng trong luật bởi việc góp vốn bao nhiêu và
góp như thế nào là thỏa thuận dân sự. Vấn đề quan trọng là làm thế nào
để chủ đầu tư sử dụng vốn góp của khách hàng đúng mục đích” – ông Trần
Du Lịch, nói.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, vốn góp của khách hàng cần phải được đưa vào
ngân hàng, ngân hàng có trách nhiệm giám sát chủ đầu tư sử dụng vốn đúng
mục đích, nếu không ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Lê Đăng Phong cho rằng quyền lợi của người mua nhà
không được bảo vệ. Pháp lý huy động vốn không rõ ràng, minh bạch, tính
răn đe không cao. Khi xảy ra hậu quả phân định, xử lý trách nhiệm rối
rắm. Cá thể hóa trách nhiệm rất khó khăn.
Theo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, bất hợp lý lớn nhất hiện
nay là mặc dù có Luật Kinh doanh BĐS nhưng thực tế không ai bảo vệ quyền
lợi của khách hàng khi xảy ra sự cố. Giao dịch thông qua sàn, qua công
chứng nhưng vẫn thiếu an toàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng vấn đề quan
trọng nhất đó là là sự không đồng bộ, thiếu nhất quán trong các luật
liên quan đến thị trường BĐS. Muốn khắc phục những bất cập của Luật Nhà
ở, Luật Kinh doanh BĐS phải sửa một chùm luật như Đất đai, xây dựng,
chứng khoán…
Ai cũng có thể phạm tội trốn thuế
Đại biểu Quốc hội Trần Du lịch chỉ ra rất nhiều quy định trong 2 luật
nhà ở và kinh doanh BĐS có rất nhiều quy định thiếu khả thi. Chẳng hạn
trong Luật Nhà ở quy định trích 30 - 50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất
để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Ông Trần Du Lịch đặt câu hỏi, TP.HCM có thực hiện được điều này? Quy
định như vậy có trái Luật Ngân sách không ? Ông Nguyễn Thành Tài –
Nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết không thể thực hiện được.
Theo ông Huỳnh Công Hùng - đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Luật quy
định công dân có quyền có nhà ở nhưng với thực tế hiện nay công nhân,
người lao động có tích lũy đến 3 đời cũng không thể mua nổi nhà. Với
hiện trạng như thế này thì làm sao đảm bảo được quyền công dân dân có
quyền có nhà ở.
Cũng theo ông Huỳnh Công Hùng, chính vì thực trạng này mà chúng ta không
thể ngăn chặn tình trạng xây dựng không phép, người dân tự xẻ đất xây
dựng nhà, mua bán.
Một vấn đề bức xúc được nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý đề cập đó là
việc thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 69. Là người làm việc trong
lĩnh vực thuế ông Đình Tấn – Cục Trưởng Cục Thuế TPHCM rất bức xúc với
hiện trạng bất cập của hệ thống luật pháp liên quan đến nhà ở, thị
trường BĐS.
“Một số luật liên quan đến đất đai có nhiều chồng chéo, qua đó người
thừa hành và người dân không thể nào thực hiện đầy đủ. Khi xây dựng luật
cần xây dựng đồng bộ. Các chuyên gia nghiên cứu luật cần xem xét để
tránh chồng chéo. Vướng mắc hiện nay là giá tính tiền sử dụng đất. Nợ
tiền sử dụng đất rất lớn, lên đến hàng ngàn tỉ.”, ông Tấn, nói.
Theo ông Tấn, tiền sử dụng đất đang rất ách tắc, số tiền sử dụng đất của
các doanh nghiệp nợ rất lớn. Theo khoảng 1 điều 56 của Luật Đất đai quy
định giá đất để tính tiền sử dụng đất là giá thị trường theo điều kiện
bình thường, nhưng giá này như thế nào thì chưa rõ. Bảng giá đất quy
định do TPHCM ban hành, nay cao nhất cũng chỉ 81 triệu đồng chưa đúng
với giá thị trường nên không thể áp dụng để áp dụng tính tiền sử dụng
đất.
“Với hiện trạng hiện nay cơ quan thuế muốn xử lý kỷ luật lúc nào cũng
được”. Ông Nguyễn Đình Tấn đề xuất: “Bỏ khung, nâng giá đất cho phù hợp
thực tế. Giao trách nhiệm cho TPHCM xây dựng bảng giá đất phù hợp”.
Theo Lao động
(Nguồn sưu tầm)