Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu thành khu vực phát triển kinh tế năng động, thu hút đầu tư và trung chuyển của vùng, khu vực, đồng thời gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Việc xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển biển Việt Nam, với mục tiêu trở thành khu vực phát triển kinh tế bền vững, năng động, trung tâm thu hút đầu tư và trung chuyển của khu vực, vùng, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, hệ thống kế cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, không gian cảnh quan, kiến trúc, đô thị tiên tiến, văn minh, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả.
Việc phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị được kỳ vọng không ảnh hưởng đến
môi trường tự nhiên và cảnh quan của biển Mỹ Thủy.
Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị là cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai các quy hoạch phân khu cũng như quy hoạch chi tiết các khu chức năng thuộc KKT, những điểm dân cư nông thôn, quy hoạch ngành và các dự án đầu tư theo quy hoạch chung; cơ sở xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị trở thành KKT biển đa ngành, là điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Quảng Trị, là cực phát triển của vùng Trung bộ, trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương, khu vực trọng điểm về an ninh, quốc phòng.
Quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị cần xác định vai trò của khu vực trong tiểu vùng kinh tế ven biển phía Đông Quảng Trị đối với toàn tỉnh Quảng Trị, vùng biên giới Việt - Lào, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trục hành lang kinh tế Đông - Tây.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ quy hoạch cũng cần phân tích mối liên hệ tương hỗ giữa khu vực kinh tế Đông Nam với các khu vực ven biển Việt Nam và với các khu vực cận kề như KKT Chân Mây - Lăng Cô, Vũng Áng, Hòn La, Nghi Sơn…; đồng thời dự báo phát triển kinh tế - xã hội, lao động, dân số và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và đất đai, cơ cấu kinh tế, động lực phát triển; mặt khác dự báo sự thay đổi của môi trường tự nhiên, thay đổi về nhu cầu sử dụng đất đai, các tiêu chí kinh tế kỹ thuật áp dụng cho từng khu vực, quy mô các khu chức năng. Xác định tiềm năng và động lực chính để phát triển KKT.
Được biết, phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 16 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong phía Đông Nam tỉnh Quảng Trị, diện tích trên 23.700 ha.
(Báo Xây dựng Online)