Nhiều ý kiến đề xuất cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai - Ảnh minh họa: H.N Cụ thể là các vấn đề như giám sát vốn góp của khách hàng, việc chuyển nhượng dự án bất động sản, đề xuất cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Chẳng hạn, theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), Luật kinh doanh bất động sản cho phép chủ đầu tư nhận tiền ứng trước của khách hàng mua nhà nhưng chưa có quy định bắt buộc chủ đầu tư chỉ được sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích để hoàn thành dự án và bàn giao sản phẩm cho khách hàng theo hợp đồng. “Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi cần có cơ chế cụ thể và chế tài cần thiết để buộc chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động của khách hàng đúng mục đích. Chẳng hạn, nên có quy định buộc chủ đầu tư phải chuyển tiền huy động này vào “tài khoản đóng” của ngân hàng và chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công dự án theo giai đoạn dưới sự giám sát của ngân hàng và đại diện khách hàng” - ông Châu đề xuất. Ông Trần Du Lịch (ĐBQH TP.HCM) cũng ủng hộ đề xuất này khi cho rằng dự thảo luật vẫn chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của ngân hàng, chủ đầu tư khi giải ngân sai mục đích vốn này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho rằng dự thảo Luật kinh doanh bất động sản đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp trong việc chuyển nhượng dự án bất động sản. Chẳng hạn, chỉ cho chuyển nhượng toàn bộ dự án chứ không cho chuyển nhượng một phần dự án, chỉ được chuyển nhượng dự án khi chủ đầu tư gặp khó khăn, không còn đủ điều kiện và nhu cầu hoàn thành dự án... Theo các doanh nghiệp, đây là những quy định rất vô lý bởi việc chuyển nhượng dự án bất động sản là hoạt động kinh doanh bình thường, có đóng thuế. “Không thể cho rằng chuyển nhượng dự án sẽ làm tăng giá bất động sản rồi đưa ra những quy định phi thị trường. Hơn nữa, thị trường chỉ chấp nhận giá bán phù hợp nên chủ đầu tư không thể cứ muốn nâng giá là được” - một doanh nghiệp nói. Theo Tuổi trẻ (Nguồn sưu tầm)