Nhiều người kỳ vọng nếu kiến nghị nới điều kiện mua nhà cho
khách hàng nước ngoài của Bộ Xây dựng được chấp thuận, phân khúc bất
động sản cao cấp sẽ ấm dần lên - Ảnh: Lê Quân |
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới có 126
trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam (80% cá nhân,
20% tổ chức). Trong đó, mới có 108 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở
trong nước theo diện kết hôn với công dân Việt Nam, còn mua theo các
diện khác thì hầu như không có.
Căn cơ của tình trạng này do, giá nhà đất ở Việt Nam luôn có mặt bằng
giá cao nên nhiều tổ chức, cá nhân đến làm việc ở Việt Nam chọn phương
án thuê để giảm chi phí. Mặt khác, ở nhiều tỉnh có lượng người nước
ngoài làm việc nhiều như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… chưa
có loại nhà phù hợp, thuận tiện cho với sinh hoạt của người nước ngoài.
"Bỏ quên" nguồn lực tiềm năng ngoại
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính là do chính sách đã hạn
chế và vô tình bỏ qua lượng lớn khách hàng tiềm năng từ bên ngoài.
Theo đó, Nghị quyết số 19/2008/QH12 quy định về cá nhân, tổ chức nước
ngoài mua nhà ở Việt Nam còn quá chặt, chỉ có 5 loại đối tượng được mua.
Trong khi đó, trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài
khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam như: người nước ngoài làm
việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động
tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc dưới 1 năm, nghiên cứu hoặc
giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...
Bên cạnh đó, chính sách nước ta mới chỉ cho mua căn hộ chung cư trong dự
án phát triển nhà ở thương mại, không được mua nhà ở riêng lẻ, nhà biệt
thự. Nhưng lại đang có nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài có nhu
cầu cao về phân khúc này. Quy định về hạn chế các quyền đối với chủ sở
hữu nhà ở như không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh
doanh như cá nhân trong nước mà chỉ để ở cũng đang làm hẹp cửa mua nhà ở
Việt Nam của khách hàng nước ngoài.
Thêm vào đó, quy định của ta chỉ cho phép sở hữu một một căn hộ chung
cư. Trong khi đó, nhiều trường hợp có khả năng tài chính và nhu cầu sở
hữu nhiều hơn thì lại không được phép cũng không phù hợp.
Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn tương đối chặt chẽ cũng
khiến nhiều khách hàng e ngại. Cụ thể, quy định cá nhân nước ngoài phải
được phép vào Việt Nam và phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm
trở lên mới được mua nhà.
Việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng bị hạn chế về
thời gian, bởi vì theo quy định thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu
căn hộ trong thời gian 50 năm. Còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
được sở hữu nhà ở tương ứng với thời gian ghi trong Giấy chứng nhận đầu
tư. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến không khuyến khích được các tổ
chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Nên cởi “trói”
Nhiều chuyên gia trong giới bất động sản tỏ ra rất ủng hộ đề xuất nới
điều kiện mua nhà ở Việt Nam cho người nước ngoài của Bộ Xây dựng vừa
kiến nghị với Chính phủ.
Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Maxland, đánh giá
đây không phải là đòn bẩy hữu hiệu tháo gỡ thị trường bất động sản
nhưng cũng sẽ tác động rất tích cực đến thị trường đang nằm bất động như
hiện nay, đặc biệt là phân khúc cao cấp: chung cư cao cấp, biệt thự,
biệt thự liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng…
Nhiều chuyên gia về thị trường bất động sản khác cũng cho rằng, đến bây
giờ ta mới đề xuất nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
là hơi chậm nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng và có thêm một tia hy vọng
phá băng thị trường bất động sản.
Còn TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bày tỏ
quan điểm ủng hộ kiến nghị của Bộ Xây dựng, cho rằng nên nới điều kiện
cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới như
Pháp, Ý, Mỹ quy định cho người nước ngoài mua nhà cũng rất mở, nhưng
cũng có nhiều nước khá chặt chẽ.
Mở cửa nhưng phải kiểm soát tốt
Ủng hộ chính sách mở cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt
Nam, nhưng TS Liêm cũng lưu ý, trước khi Nhà nước ban hành chính sách về
vấn đề này cần lưu ý đến 2 yếu tố quan trọng là an ninh quốc gia và bản
sắc văn hóa dân tộc.
“Chính sách dù mở cũng vẫn phải có quy định hạn chế, ví dụ quy định rõ
phạm vi bán kính ở gần những khu vực: biên giới, bờ biển, vị trí trọng
yếu… thì không được mua”, TS Liêm nói.
Một vấn đề khác cũng được Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt
ra là, hiện ta đang rất vất vả kiểm soát những khu phố tập trung nhiều
người nước ngoài sinh sống như phố người Trung Quốc ở Quảng Ninh, nơi
tập trung nhiều người Hàn Quốc thuê ở khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính,
khu đô thị Ciputra (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)… Nếu thời gian tới,
những người này mua nhà sẽ hình thành khu phố của riêng họ, mang đặc
trưng văn hóa khác ngay trong lòng văn hóa Việt.
“Đề điều này không xảy ra, theo tôi, cũng cần phải có hạn chế cho người
nước ngoài mua nhà không quá 49% trên một khu phố hay đơn vị hành chính
cụ thể”, TS Liêm nêu ý kiến.
Đánh giá về tác động của kiến nghị Bộ Xây dựng nếu được chấp thuận, TS
Liêm cho rằng, nếu được phê duyệt thì cũng không nên đặt quá nhiều hy
vọng sẽ làm ấm thị trường bất động sản vì còn phải tùy vào lực cầu đến
đâu mới biết được tác động của chính sách này lên thị trường bất động
sản.
“Nếu kiến nghị của Bộ Xây dựng được chấp thuận và có nhiều người nước
ngoài mua nhà ở Việt Nam thì cũng là tín hiệu tốt đối với tình hình thị
trường bất động sản nước ta đang đóng băng như hiện nay, đặc biệt đối
với phân khúc cao cấp. Cá nhân tôi đánh giá, kiến nghị của Bộ Xây dựng
chỉ mang tính thúc đẩy thêm chứ không phải là yếu tố chính làm đòn bẩy
nâng thị trường bất động sản”, TS Liêm đánh giá.
Ngoài ra, cũng cần nghĩ đến khả năng, khi được mua nhà ở Việt Nam,
người, tổ chức nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ đầu cơ, đẩy giá
lên cao khiến người trong nước khó mua được nhà.
(Nguồn sưu tầm)