Sáng nay (1/12), tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2015, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham) ông David W. Carter cho rằng, Luật Kinh doanh BĐS mới vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư địa ốc trong và ngoài nước.
Kiến nghị xóa bỏ phân biệt
Ông David W. Carter lấy ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân chia đất thành các lô để bán nhưng các nhà đầu tư trong nước lại được hưởng quyền lợi này.
Mặt khác, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu 50% giá trị của hợp đồng bán và thuê mua, mua BĐS hình thành trong tương lai trong khi đó tỷ lệ áp dụng cho các nhà đầu tư trong nước lên đến 70%.
Theo đại diện của AusCham, sự phân biệt này tạo ra sự thiếu hiệu quả và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nói chung.
Trước những bất cập đó, AusCham đề xuất bỏ sự phân biệt về quyền lợi dành cho các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng và công bằng cho tất cả thành viên tham gia vào lĩnh vực địa ốc tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nội dung được thể hiện tại báo cáo của nhóm công tác đất đai tại diễn đàn nói trên.
Theo nhận định của ông David Lim, thị trường BĐS trong nước có nhiều dấu hiệu hoạt động tích cực trở lại.
Bên cạnh đó, nhóm công tác về đất đai cũng đánh giá cao khi những góp ý đối với dự thảo Nghị định 76 hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS được đưa ra thảo luận tại diễn đàn giữa năm đã được đưa vào bản chính thức.
Cùng với đó, Nghị định số 99 hướng dẫn Luật Nhà ở cũng đã chính thức được ban hành.
Song, ông David Lim vẫn tiếp tục mang tới diễn đàn các đóng góp về những quy định chính trong các luật liên quan - những quy định có thể hạn chế tính cạnh tranh trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam và đề xuất giải quyết các vấn đề này.
AusCham đề xuất bỏ sự phân biệt về quyền lợi dành cho các nhà đầu tư trong
và ngoài nước nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành
viên tham gia lĩnh vực địa ốc tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: ĐTCK).
Đề xuất bổ sung quyền huy động vốn
Ông David Lim cho rằng, danh sách các nguồn vốn cho dự án nhà ở tại Điều 69 Luật Nhà ở và Điều 19 Nghị định 99 làm hạn chế các nguồn vốn cho nhà đầu tư dự án nhà ở. Chưa hết, điều này cũng làm giảm khả năng của nhà đầu tư BĐS trong việc huy động vốn một cách hiệu quả và làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của nhà đầu tư đó.
Nhóm đất đai bày tỏ rõ quan điểm về việc không cần thiết phải giới hạn khả năng của các nhà đầu tư BĐS trong việc huy động vốn từ các nguồn hợp pháp.
Còn nếu như quan ngại về nguồn vốn thì luật cần đưa ra các biện pháp để bảo đảm là vốn được huy động từ các nguồn hợp pháp. Thực tế cho thấy, việc đưa ra một hạn chế tổng quát như vậy không phải là cách thức hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này.
Nhóm công tác đất đai đề nghị bổ sung quyền được huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức phi tín dụng nước ngoài và vốn từ các nguồn khác không bị pháp luật ngăn cấm.
Báo cáo của nhóm công tác đất đai băn khoăn khi Luật Nhà ở cho phép các cá nhân/tổ chức nước ngoài sở hữu không quá 250 nhà ở riêng lẻ, gồm nhà ở liền kề, biệt thự trong một đơn vị hành chính cấp phường.
Thế nhưng, văn bản hướng dẫn lại đưa ra thêm một quy định hạn chế, tổ chức/cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án nhà ở.
Theo nhóm công tác, với quy định này, số lượng đơn vị nhà ở tối đa mà cá nhân và tổ chức nước ngoài được phép sở hữu đã bị giới hạn thêm và không thống nhất với Luật Nhà ở.
Ngoài ra, băn khoăn của nhóm công tác còn nằm ở quy định thêm các hạn chế về việc gia hạn một lần quyền sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu nước ngoài. Điều này sẽ gây ra quan ngại cho người mua là nhà đầu tư nước ngoài và có thể có tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh doanh của nhà đầu tư.
Vì thế, nhóm đề xuất cho phép tiến hành gia hạn không hạn chế trừ trường hợp cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở vì lý do đảm bảo an ninh, quốc phòng.
(Vneconomy)