Quản lý - Quy hoạch

Kiến nghị thành lập Tổng Cục phát triển nhà ở

14/10/2016 - 08:55

Mới đây, Sở Xây dựng Tp.HCM đã có hàng loạt kiến nghị và giải pháp rất thực tế trong Đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM hướng đến năm 2025 gửi tới UBND TP.

Phát triển nhà ở cho thuê tại Tp.HCM

Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, hiện TP đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư và nguồn lao động chất lượng cao từ khắp thế giới cũng như nguồn lao động từ các địa phương, các nước trong khu vực có nét tương đồng về kinh tế, dân số, đô thị...

Sự phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trong thời gian tới sẽ là động lực lớn thúc đẩy liên kết vùng. Với việc phủ kín quy hoạch 1/2.000 với các tuyến vành đai 3 và 4 đã được phê duyệt, tuyến vành đai 3 sẽ khởi công năm 2016 sẽ thúc đẩy sự liên kết của các đô thị vệ tinh trong vùng.

Vì thế, định hướng phát đến năm 2025 của TP sẽ có những thay đổi về cấu trúc hộ gia đình với kích thước trung bình hộ ngày càng giảm, tạo nguồn cầu đa dạng về nhà ở và bất động sản khác. Bên cạnh việc lành mạnh hóa và minh bạch hóa thị trường địa ốc, Sở Xây dựng Tp.HCM kiến nghị như sau:

Đề xuất với Quốc Hội đưa vào hệ thống luật các chính sách có hiệu quả thu hút đầu tư trong vào ngoài nước vào thị trường địa ốc.

Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, tập trung kết nối liên kết vùng.

Phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm bất động sản và đẩy mạnh sản phẩm phân khúc nhà chung cư, mục tiêu 30% nhà ở mới hằng năm thuộc phân khúc này, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê.

Phát triển đô thị đa trung tâm cùng với hệ thống giao thông hiện đại gồm đường sắt trên cao, xe buýt nhanh, metro… kết nối đô thị vành đai và đô thị hạt nhân, qua đó từng bước giảm mật đội nhà ở còn khá cao tại các khu vực trung tâm hiện có.

Khuyến khích phát triển phát triển các loại hình BĐS mới như nhà ở cho thuê, căn hộ khách sạn (Condotel), văn phòng kết hợp nhà ở (Officetel),...

Phát triển nhà ở và các sản phẩm bất động sản khác dựa trên cơ sở tái phát triển các khu vực đô thị hiện có, mục tiêu hơn 50% số nhà ở xây dựng mới hằng nằm đến từ các dự án này…

Sở Xây dựng TP kiến nghị Chính phủ thành lập Tổng Cục phát triển nhà ở trực thuộc Chính phủ để điều hành chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đồng thời, thành lập cơ quan quản lý phát triển nhà ở trực thuộc UBND TP (Cục phát triển nhà ở) chịu trách nhiệm chung về quản lý phát triển dự án nhà ở, nhà ở.

kiến nghị, giải pháp phát triển thị trường BĐS Tp.HCM
Sở Xây dựng Tp.HCM đã có nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển lạnh mạnh, bền
vững thị trường BĐS trong thời gian tới. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường bất động sản

Sở Xây dựng Tp.HCM đề ra nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường bất động sản trực thuộc UBND TP làm đầu mối quản lý và khai thác dữ liệu… nhằm hoàn thiện và chuẩn hóa thông tin thị trường. Xây dựng và công bố chỉ số đánh giá thị trường BĐS để cung cấp thông tin chính thức cho thị trường…

Mặt khác, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá chủ đầu tư, thay đổi quy định về vốn chủ sở hữu và vốn pháp định đối với chủ đầu tư các dự án BĐS.

Cùng với đó, thí điểm áp dụng một số chính sách như phân cấp lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án trong các chương trình nhà ở trọng điểm: phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư...

Sở Xây dựng TP kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các quy định về thuế và chế tài liên quan để hạn chế đầu cơ trong thị trường nhà ở. Ví dụ, có chế độ thuế riêng biệt với các BĐS được mua đi bán lại trong thời gian ngắn (đề xuất dưới 1 năm), tăng thuế và chi phí giao dịch BĐS nhà ở thứ 2 trở lên và hạn chế việc giao dịch các sản phẩm BĐS chưa được hình thành thông qua công cụ thuế.

Thực hiện thí điểm và kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế suất giao dịch nhà đất, tạo động lực để người dân có giao dịch chính thức khai báo đúng giá trị giao dịch, tăng nguồn thu cho từ giao dịch địa ốc và giúp thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch. Nghiên cứu cơ chế thu thuế hằng năm cho BĐS trên đất và nguồn thu từ giá trị tăng thêm của đất và BĐS trên đất có được nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng và công tác cải tạo đô thị với vốn đầu tư ngân sách.

Tiến hành thay đổi quy định để xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, thực hiện đơn giản hóa trong việc xác định giá đất, hoàn thiện các quy định và phương pháp định giá nhà đất. Việc định giá đất phải do các đơn vị định giá độc lập có đủ năng lực tiến hành.

Hạ lãi suất cho vay BĐS lâu dài

Sở Xây dựng kiến nghị xem xét thí điểm tạo hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính BĐS mới phát triển như quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở… nhằm tránh lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Ngoài ra, nên cân nhắc các ảnh hưởng trung và dài hạn có thể xảy ra khi đưa các gói hỗ trợ bất động sản quy mô lớn ra thị trường. Tạo nguồn vốn ưu đãi dài hạn cho doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp cận nhà ở xã hội, nhất là hạ lãi suất cho vay sửa nhà, mua nhà và ổn định lãi suất này trong thời gian dài, trong toàn thời gian có hiệu lực của gói tín dụng. Những gói hỗ trợ này được thiết kế chuyên biệt với từng nhóm đối tượng khách hàng.

(Nhịp sống kinh doanh)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm