Chiều qua (13/2), ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cùng các sở, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND quận 4 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận này trong năm 2019.
Theo thông tin từ ông Trần Hoàng Quân - Chủ tịch UBND quận 4, quận hiện có 1.771 trường hợp thuộc các dự án nhà ven, trên kênh rạch cần giải tỏa. Cụ thể, trong đó có 1.223 trường hợp phải giải tỏa toàn bộ; giải tỏa một phần đối với 479 trường hợp. Nhu cầu tái định cư của người dân sau giải tỏa ước tính là 100%, tức quận 4 cần tới 1.223 căn hộ tái định cư.
|
Hàng nghìn căn hộ tái định cư trên địa bàn Tp.HCM không có nhu cầu sử dụng.
(Ảnh minh họa: Internet) |
UBND Tp.HCM trước đó cũng đã đồng ý với kiến nghị của quận 4 về chủ trương xây quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội tại 2 dự án trên địa bàn quận. Tuy vậy, do vướng mắc về thủ tục nên đến nay vẫn chưa thể triển khai các dự án này. UBND quận 4 trong hơn 3 năm qua cũng đã nhiều lần kêu gọi nhà đầu tư thực hiện một số dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch theo hình thức PPP (hợp tác công tư) nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nào. Do đó, với những dự án trên, quận 4 mong muốn chính quyền TP cho phép chuyển hình thức đầu tư PPP sang sử dụng ngân sách TP.
Lãnh đạo Tp.HCM sau khi lắng nghe ý kiến trên đã chỉ đạo quận 4 nâng cao tính bền vững của những kết quả đạt được trong năm ngoái. Cùng với đó, trong năm 2019, quận cần phấn đấu tốt hơn với những chỉ tiêu chưa hoàn thành. Mặt khác, ông Tuyến cũng yêu cầu quận 4 tăng cường công tác cải cách hành chính, giúp cả doanh nghiệp lẫn người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan tới đầu tư, đời sống... Chủ trương của TP thời gian tới là hạn chế tối đa việc triển khai mới dự án nhà ở tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết thêm, TP hiện có trên 7.000 căn hộ tái định cư muốn bán bởi không có nhu cầu sử dụng, sẽ xuống cấp nếu để lâu. Tp.HCM sẽ có phương thức tạo quỹ nhà tái định cư trong thời gian tới. Các huyện, quận sẽ hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện dự án. Thành phố sẽ sử dụng quỹ căn hộ này theo nhu cầu và doanh nghiệp chủ động bán phần còn lại theo phương án kinh doanh của mình. Giải pháp này không chỉ sát với nhu cầu thực tế mà còn giúp địa phương chủ động hơn.
(Sài Gòn Giải phóng Online)