UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch Phát triển nhà ở năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020), nhằm cải thiện chỗ ở, tăng diện tích nhà ở bình quân cho người dân. Trong đó tăng mạnh chỉ tiêu diện tích nhà ở xã hội, giảm chỉ tiêu diện tích nhà ở cho công nhân.
Nhà ở xã hội được đầu tư theo hướng đi mới
Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, cho đến nay, trên toàn thành phố có tổng số hơn 163 triệu m2 nhà ở. Bình quân đạt khoảng 22,7m2/người, trong đó, khu vực nông thôn đạt 19,1m2/người, khu vực đô thị đạt 26,4m2/người. Nếu so với mục tiêu phát triển nhà ở trong Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn từ 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân đầu người gần đạt mục tiêu 23,1m2/người. Nhưng, một số chỉ tiêu về nhà ở cho người thu nhập thấp, cho học sinh, sinh viên, nhà ở tái định cư còn chưa đạt mục tiêu đề ra, bởi vậy, các đối tượng xã hội vẫn tiếp cận và cải thiện chỗ ở trong tình trạng gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, nguồn cung dư thừa của nhiều dự án nhà ở thương mại, nhất là các khu nhà liền kề, biệt thự cao cấp có giá bán hàng tỷ đồng, gây bức xúc trong xã hội. Theo anh Ngô Văn Thành, người may mắn mua được căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), để mua được căn hộ tại đây gia đình anh phải tốn nhiều thời gian, công sức để hoàn chỉnh hồ sơ mua nhà. Rồi chờ đợi bốc thăm, nhận bàn giao căn hộ, làm thủ tục vay vốn ưu đãi từ ngân hàng... Nhưng trên thực tế, nhiều khu nhà ở liền kề, biệt thự trong cùng khu đô thị đìu hiu, trái ngược với khung cảnh đông vui, tấp nập tại khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Rất nhiều căn nhà được thiết kế đẹp, rộng rãi đã bị rêu mốc, bỏ hoang rất lãng phí. Thiết tưởng, phần diện tích đất xây nhà liền kề, biệt thự này san sẻ cho khu nhà cao tầng dành cho người thu nhập thấp thì sẽ thêm nhiều người có được chốn đi về.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, còn nhiều chỉ tiêu về nhà ở chưa đạt kế hoạch so với nhu cầu thực tế. Điển hình như, nhu cầu thực tế nhà ở dành cho người thu nhập thấp là 1,8 triệu m2 sàn xây dựng, tuy nhiên cho đến hết năm 2014 mới thực hiện được gần 550 nghìn m2, cùng với diện tích xây dựng tại 12 dự án nhà ở dự kiến hoàn thành trong năm nay, với hơn 800 nghìn m2, vậy thì vẫn thiếu hụt khoảng 450 nghìn m2. Trong thực tế, nhu cầu nhà ở tái định cư là 1,6 triệu m2, mặc dù vậy, cho đến hết năm 2014 mới thực hiện được gần 620 nghìn m2, cộng với hơn 220 nghìn m2 dự kiến hoàn thành trong năm 2015, như vậy vẫn thiếu hụt hơn 760 nghìn m2. Đặc biệt, theo chỉ tiêu phát triển nhà ở cho công nhân thuê là 1,6 triệu m2 sàn xây dựng, mà nhu cầu thực tế chỉ còn hơn 480 nghìn m2. Thực tế, nhu cầu thuê nhà của công nhân giảm là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, làm cho số lượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp giảm trên địa bàn thành phố. Một thực tế đang diễn ra là có rất nhiều công nhân tự thuê nhà ở do người dân địa phương đầu tư xây dựng gần khu công nghiệp nên nhu cầu giảm đáng kể...
Trên cơ sở khảo sát thực trạng và nhu cầu nhà ở thực tế nhằm tránh đầu tư lãng phí, dư thừa hàng tồn kho. Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2015 của UBND thành phố Hà Nội là hơn 810 nghìn m2; nhà ở tái định cư hơn 220 nghìn m2, nhà ở công nhân hơn 95 nghìn m2... Ngoài ra, để bảo đảm mục tiêu đến cuối năm 2015 diện tích nhà ở bình quân của người dân đạt 23,1m2/người và 26,3m2/người đến năm 2020, sau khi cân đối chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở riêng lẻ do người dân đầu tư xây dựng, số lượng diện tích nhà ở thương mại cần phát triển là hơn 2,4 triệu m2sàn xây dựng. Nhằm thực hiện được chỉ tiêu này, thành phố sẽ đầu tư một phần vốn từ ngân sách cùng với đó mở rộng các hình thức huy động, tập trung các nguồn lực xã hội tham gia kế hoạch phát triển nhà ở.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhấn mạnh, để hoàn thành các chỉ tiêu nhà ở năm 2015, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành cần đẩy nhanh công tác công khai các đồ án quy hoạch, cân đối nhu cầu để phân bố hợp lý trên địa bàn thành phố. Đồng thời, kiểm tra quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở. Cùng với đó, kiểm tra, phân loại các dự án về nhà ở, khu đô thị mới để đề xuất điều chỉnh, tạm dừng, mở rộng các dự án. Bên cạnh đó, công khai danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại để huy động nguồn lực xã hội để có thể lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Và tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng căn hộ có giá cả phù hợp nhu cầu, diện tích, điều kiện kinh tế của người dân; chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Ngoài ra, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tự xây dựng, cải tạo chỗ ở...
Hi vọng với những biện pháp cụ thể như trên, năm 2015, nhiều người dân trên địa bàn thành phố, nhất là các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có nơi ở mới khang trang, rộng rãi...
(Nhân dân)