Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị lên một số cơ quan Trung ương sửa đổi một số điều liên quan đến Luật Đất đai 2013.
Đáng chú ý, đơn vị này kiến nghị bổ sung chủ thể "cá nhân nước ngoài" là người sử dụng đất có thời hạn tối đa không quá 50 năm sau khi đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
HoREA cho hay, điều 5 Luật Đất đai không có quy định chủ thể sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài". Trong khi đó, Luật Nhà ở đã cho phép cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, ngoại trừ khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, người nước ngoài được sở hữu nhà trong thời hạn tối đa không quá 50 năm và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, trong đó có quyền sử dụng đất ở.
Lượng sổ đỏ được cấp cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
còn thấp.
Vậy nên, theo kiến nghị của HoREA, cần bổ sung chủ thể người sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài" trong thời hạn được sở hữu nhà tại Việt Nam vào điều 5 Luật Đất đai. Mặt khác, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, HoREA kiến nghị bổ sung thêm 1 điều vào Mục 4 Chương 11 Luật Đất đai quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là "cá nhân nước ngoài".
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 1 điều 105 Luật Đất đai đối tượng "cá nhân nước ngoài" thuộc diện UBND cấp tỉnh cấp sổ đỏ.
Số liệu thống kê của Savills cho thấy, sau vài năm Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng nước ngoài.
Trong 2 năm qua, thị trường địa ốc Tp.HCM ghi nhận hàng nghìn giao dịch thành công với khách hàng là người nước ngoài. Năm 2017 có rất nhiều dự án chạm trần sở hữu khách ngoại trong thời gian ngắn.
Thế nhưng, nếu so với sự quan tâm và nhu cầu của người mua, lượng sổ đỏ được cấp cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn tương đối thấp.
Savills cho rằng, các tác nhân giới hạn số lượng này có thể kể đến quy trình cấp sổ đỏ cần được phổ biến rộng rãi hơn, thay vì tập trung ở một vài khu vực trung tâm. Hơn nữa, việc người nước ngoài chưa nắm bắt rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam và ngược lại, công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều tạm gọi là những rào cản có thật tại thời điểm này.
(Vneconomy)