Theo Ngân hàng Thế giới (WB) mặc dù đã có những quy định về việc phảicông khai thông tin trong lĩnh vực đất đai, nhưng thực tế cho thấy người dân tại nhiều địa phương vẫn khó tiếp cận thông tin.
Theo báo cáo Công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 12/12, so với năm 2010, việc công khai thông tin đất đai tại 63 tỉnh và thành phố của cả nước đã có bước cải thiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên thực trạng công khai thông tin đất đai vẫn chưa đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.
Nhóm nhiên cứu đã tiến hành kiểm tra website của 63 tỉnh, thành phố cũng như tại cơ quan chức năng của từng tỉnh và 126 huyện, 321 xã vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.
Thông tin đất đai vẫn chưa được công khai đầy đủ theo quy định của pháp luật
Qua nghiên cứu của nhóm này, việc công khai minh bạch thông tin đất đai đã được cải thiện. Chẳng hạn ở cấp tỉnh, thông tin công khai từ 32% năm 2010 đã được nâng lên 42% năm 2013, ở cấp huyện từ 25% nâng lên 39%,…
Tình hình cung cấp thông tin qua kiểm tra trực tiếp theo tỉnh, các tỉnh vượt lên là Thanh Hóa, Quảng Trị, Vĩnh Long, những tỉnh ở cuối bảng là Đồng Nai, Sơn La, Điện Biên, Khánh Hòa, …Trong khi đó, Hà Nội, Cần Thơ, Bến Tre... đứng đầu về xếp hạng công khai trực tuyến thông tin trong lĩnh vực đất đai.
Theo nhận xét của đại diện nhóm nghiên cứu, nhiều cơ quan hành chính vẫn coi việc niêm yết thủ tục hành chính chỉ mang tính hình thức chứ, không phải thực sự để phục vụ nhu cầu của người dân. Đơn cử như việc niêm yết ở góc phòng làm hạn chế tầm nhìn của việc tiếp cận những thông tin này, hoặc dán bảng niêm yết ở ngoài trời hay khu vực để xe...
Một số trường hợp, các thủ tục công khai thông tin không được thường xuyên cập nhật các quy định mới, các địa phương ít chú ý việc duy tu bảng tin. Bởi vậy, người dân vẫn phải chờ xin chỉ dẫn từ cán bộ phụ trách mà không thể sử dụng được thông tin đã niêm yết. Cán bộ địa phương chỉ cung cấp các tài liệu liên quan tới kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất thường khi có yêu cầu.
Trong nhiều trường hợp, cán bộ phụ trách đơn giản chỉ từ chối cung cấp thông tin hoặc đòi hỏi giấy giới thiệu. Ở cấp xã, cán bộ phụ trách thường vắng mặt ở quan, tài liệu không được lưu trữ ở một số nơi.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, nghiên cứu này là cần thiết. Qua báo cáo có thể thấy đối tượng cấp xã là cấp người dân có quan hệ trực tiếp nhưng nghiên cứu ở cấp này lại chưa sâu. Vì vậy cần có nghiên cứu sâu hơn.
Bà Vicoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, nâng cao tính minh bạch trong quản lý đất đai là một vấn đề then chốt tại Việt Nam để có thể sử dụng tài nguyên đất bền vững và hiệu quả hơn.
(Infonet)