Quản lý - Quy hoạch

Hà Nội lúng túng với mô hình quản lý thanh tra xây dựng

26/10/2016 - 10:44

Mặc dù lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) của Hà Nội liên tục thay đổi mô hình quản lý trong mấy năm qua nhưng công tác quản lý TTXD vẫn rơi vào tình trạng chồng chéo, khó quy trách nhiệm.

Từ khi Hà Nội thực hiện thí điểm thành lập lực lượng TTXD cấp quận, xã, phường đến nay lực lượng này có khoảng 1.600 người, thậm chí có lúc lên tới trên 1.700 người. Trong khi Luật Thanh tra quy định TTXD chuyên ngành chỉ có hai cấp là cấp bộ và cấp sở mà thí điểm lại kéo dài nên theo Nghị định 26 (có hiệu lực từ ngày 15/5/2013), lực lượng TTXD cấp huyện, quận được gọi là các đội thanh tra trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng. Điều này có nghĩa là, TTXD cấp xã phường, huyện, quận bị dồn về một cấp.

Mô hình quản lý lực lượng TTXD tại Hà Nội còn nhiều bất cập.
Mô hình quản lý lực lượng TTXD tại Hà Nội còn nhiều bất cập. (Ảnh: PV).

Phân cấp “nửa vời”, chưa phù hợp thực tế

Tuy mô hình nói trên phù hợp với Luật Thanh tra nhưng lại không phù hợp thực tế quản lý TTXD của địa phương có tốc độ thị hóa cao như Hà Nội. Nguyên nhân là, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm cần thiết phải có TTXD cấp cơ sở. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp công trình vi phạm được lực lượng TTXD phát hiện nhưng không được các cấp chính quyền xử lý dứt điểm, hoặc làm ngơ, thậm chí hợp thức hóa sai phạm.

Trước thực trạng đó, hồi tháng 7/2016, UBND TP Hà Nội quyết định giao chủ tịch UBND các huyện, quận, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp đội TTXD trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng từ ngày 1/9/2016. Theo đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo về nghiệp vụ, chuyên môn; quản lý biên chế, bổ nhiệm nhân sự, trả lương và các chế độ khác theo quy định về hoạt động của TTXD. Dù mới thực hiện nhưng theo một số đánh giá thì việc phân cấp trên vẫn “nửa vời”, rất khó quy trách nhiệm của TTXD. Lãnh đạo một quận phân tích: “Giao lực lượng TTXD cho huyện, quận quản lý nhưng lại không quản về con người, không trả lương, chế độ thì rất khó xác định hiệu quả, hiệu suất công việc. Trường hợp TTXD làm ngơ cho vi phạm thì cũng khó xử lý trách nhiệm”.

Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội,  ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hiện lực lượng TTXD  rất đông nhưng đang có sự phân cấp chưa hợp lý, do đó hiệu quả công việc chưa cao. Ông Nam phân tích, TP đã rà soát lại đội ngũ TTXD và điều chỉnh quy chế phối hợp với việc giao cho huyện, quận điều hành, chỉ đạo trực tiếp để phù hợp với Luật Thanh tra. Nhưng biên chế vẫn do Sở quản lý nên hoạt động theo mô hình này chưa hiệu quả, là một đơn vị trung gian, không đảm bảo tính hiệu quả cũng như chưa nâng cao tính chịu trách nhiệm trong công việc của lực lượng này.

1.600 TTXD do ai quản lý?

Theo đại diện Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội, qua giám sát về thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về tổng biên chế hành chính năm 2016, nhiều huyện, quận đều chung kiến nghị TP cần phân cấp toàn diện, thống nhất cả con người, công việc đối với lực lượng TTXD cho chính quyền địa phương.

Đưa TTXD về làm bộ phận của Phòng Quản lý đô thị là phương án được nhiều huyện, quận đồng tình. Bởi lẽ, đối chiếu với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cán bộ phòng Quản lý đô thị có quyền lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đô thị - chức năng hoạt động như hiện tại mà thanh tra xây dựng đang thực hiện là được quyền kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị UBND các cấp xử lý. Vậy nên, việc kiến nghị bàn giao toàn bộ biên chế đội ngũ TTXD vào phòng Quản lý đô thị các huyện, quận là hợp lý, theo đại diện Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội. Đơn vị này cho biết sẽ cùng với Sở Nội vụ rà soát, tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND TP để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, bên cạnh việc điều chỉnh mô hình, chính sách quản lý điều hành TTXD, TP cần nghiêm túc hơn trong xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, có biểu hiện tiếp tay cho sai phạm. Chuyên gia này phân tích: Mục tiêu của TP là siết chặt việc quản lý đô thị, đẩy lùi vi phạm trật tự xây dựng thông qua việc gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền. Nhưng trên thực tế, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng những năm qua vẫn do UBND huyện, quận, thị xã trực tiếp xử lý. Trường hợp TP không xây dựng chế tài xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu thì việc chuyển giao TTXD từ Sở Xây dựng về UBND huyện, quận, thị xã trực tiếp quản lý và điều hành vẫn chỉ dừng lại ở việc thay “bình mới” cho “rượu cũ”. Sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu đẩy lùi vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra phức tạp tại nhiều khu vực.

Trong khi đó, một vị cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng khi đề cập vấn đề này cho rằng chỉ cần một nửa trong số 1.600 TTXD của Hà Nội làm việc hết trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm ngay từ đầu thì không có chuyện công trình vi phạm nhiều như hiện nay. Vị cán bộ này nhấn mạnh: “Với vai trò của mình, khi lực lượng TTXD cùng chính quyền sở tại làm hết trách nhiệm thay vì chụm vào hợp thức hóa sai phạm, làm theo yêu cầu của chủ đầu tư thì không bao giờ xử lý hết sai phạm. Việc 1.600 TTXD ở đâu và ai quản lý không phải là vấn đề quan trọng".

Không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc Hà Nội cần đánh giá tổng thể về hiệu quả mô hình TTXD để kịp thời có những kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp theo hướng một đầu mối. Hơn nữa, việc UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định giao các đội TTXD về cho chủ tịch các huyện, quận, thị xã trực tiếp quản lý và điều hành nhưng bổ nhiệm và tiền lương do Sở Xây dựng quản lý cũng dẫn đến lo ngại chồng chéo, dễ xảy ra đùn đẩy trách nhiệm.

(Tiền phong Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm