Quản lý - Quy hoạch

Hà Nội công bố quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng

05/10/2016 - 07:40

Vào ngày 4/10 vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức công bố và bàn giao hồ sơ đồ án quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng tỷ lệ 1/5.000.

quy hoạch thị trấn Phù Đổng
Phối cảnh tổng thể thị trấn Phù Đổng.

Nội dung quy hoạch nêu rõ, khu vực thị trấn Phù Đổng thuộc địa giới hành chính xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, có diện tích khoảng 883,25 ha. Trong đó, diện tích khu vực phát triển đô thị khoảng 181 ha; khu vực đất ngoài đô thị và dự trữ phát triển diện tích khoảng 702,25 ha.

Về vị trí, khu vực thị trấn Phù Đổng có phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Trung Mầu; giáp đường Vành đai 3 (Quốc lộ 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn) về phía Tây; phía Nam giáp sông Đuống và địa giới hành chính xã Cổ Bi; giáp xã Ninh Hiệp và khu công nghiệp VSIP tỉnh Bắc Ninh ở phía Bắc.

Quy mô dân số đến năm 2030 toàn khu vực lập quy hoạch được dự báo vào khoảng 20.000 người: Dân số khu vực triển đô thị khoảng 16.500 người và dân số khu vực ngoài đô thị 3.500 người.

Quy hoạch trên nhằm hình thành một thị trấn mới của huyện Gia Lâm mà trước mắt là Trung tâm Du lịch Văn hóa Lịch sử, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng sẵn có theo hướng du lịch văn hóa - dịch vụ, nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân, có thể phát triển trở thành thị trấn huyện lỵ...

Đồ án chia khu vực nghiên cứu thành 2 khu quy hoạch, cụ thể: Tổng diện tích khu vực xây dựng đô thị (Khu A) là 181 ha, phân thành 4 ô quy hoạch có thứ tự từ A-1 đến A-4.

Tổng diện tích khu vực ngoài phạm vi xây dựng đô thị (Khu B) là 702,25 ha, phân chia thành 2 khu vực: Diện tích Khu B-1 (nằm trong đê sông Đuống) 317,62 ha có chức năng chính là khu vực dự trữ phát triển đô thị. Gồm 3 ô đất quy hoạch có thứ tự từ B-1.1 đến B-1.3. Trước mắt vẫn sản xuất nông nghiệp và bố trí quỹ đất cho các dự án đầu mối hạ tầng và giao thông của TP như Nhà máy xử lý chất thải rắn Phù Đổng, Nghĩa trang Trung Mầu, Nhà máy nước mặt sông Đuống, ga Phù Đổng...

Tổng diện tích Khu B-2 (nằm ngoài đê sông Đuống) là 384,63 ha. Được biết, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án tại khu vực này thực hiện theo Luật Đê điều và Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy hoạch, định hướng phát triển không gian đô thị như sau: Các không gian ở hiện trạng phía Nam, bám dọc trong đê sông Đuống được chỉnh trang cải tạo, hạ tầng kỹ thuật được kết nối với các khu vực phát triển mới, tạo ra không gian ở với kiến trúc truyền thống Việt Nam, tiếp cận không gian xanh, đồng thời kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị mới.

Trong khi đó, khu vực ở mới một phần xen lẫn khu ở hiện trạng, một phần nằm trên tuyến đường mới phía Bắc được phát triển gắn kết đồng bộ với không gian ở hiện hữu, tạo ra những khu vực đơn vị ở mới và đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Bố trí khu trung tâm hành chính - chính trị - công cộng của thị trấn dọc hai bên tuyến đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng - Trung Mầu, nối từ đường Vành đai 3 đi xã Trung Mầu. Đây là tuyến đường đối ngoại liên khu vực nên phương án đã đề xuất mở một trục chính của thị trấn nối từ tuyến đường này đi xuống phía Nam qua khu công viên và kết nối với đường đê bối khu dân cư phía Nam. Đồ án nêu rõ, tuyến đường trục thị trấn này sẽ là tuyến không gian trung tâm, kết nối các tuyến đường nội thị, là điểm nhấn không gian công cộng với cảnh quan công viên cây xanh hai bên đường.

Công viên Phù Đổng được tổ chức tại lõi của đô thị, kiến tạo không gian xanh, cải thiện vi khí hậu, có chức năng là công viên chuyên đề, hỗ trợ các lễ hội văn hóa truyền thống địa phương.

Theo đó, trục cảnh quan quanh công viên Phù Đổng sẽ là tuyến kết nối giữa không gian hiện hữu với không gian đô thị mới, góp phần đảm bảo giao thông thuận lợi giữa khu dân cư hiện hữu với trung tâm công cộng...

Cần tôn tạo, bảo tồn không gian di tích Phù Đổng nằm trong ranh giới Thị trấn gồm Đền Thượng, chùa Hương Hải, Đình Hạ Mã, chùa Kiến Sơ, Giá Ngự, Miếu Ban, đền Mẫu, Hồ soi bia, Bãi phất cờ, Cố Viên, Đóng Đàm (khu vực bảo vệ di tích Quốc gia đặc biệt Phù Đổng). Liên kết tuyến du lịch với các công trình di tích lịch sử - văn hóa trong địa bàn huyện Gia Lâm (cụm di tích Chử Đồng Tử; Nguyên phi Ỷ Lan, Cao Bá Quát, Lê Ngọc Hân; hệ thống chùa thờ tứ pháp, đền, đình...); hệ thống các lễ hội, làng nghề (Bát Tràng, Kiêu Kỵ, Đa Tốn) và các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.

Bố trí không gian cây xanh chính tại Công viên văn hóa Phù Đổng. Thiết kế không gian sân chơi và công viên công cộng chủ yếu là sân trống có trồng cây bóng mát, hạn chế sử dụng cây cảnh cắt tỉa để tạo cảnh quan chất lượng cao, bản sắc và giảm thiểu chi phí chăm sóc.

(Báo Xây dựng Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm