UBND Tp.HCM vừa thông báo tính đến ngày 25/8/1014, mới chỉ có hai doanh nghiệp (DN) tại TPHCM được vay vốn trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng với số tiền 658 tỉ đồng.
Một DN bất động sản (BĐS) ở TPHCM do căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2 nên phải chấp nhận vừa bán, vừa tặng cho khách hàng số mét vuông thừa để đươc vay vốn ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng nhưng cũng không được chấp thuận.
Ngân hàng nghe cho doanh nghiệp bất động sản vay đã ngại
Cụ thể, đó là dự án chung cư CC1, khu 2 do CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư và dự án chung cư Thảo Điền do CTCP Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư. Ngoài ra, các NHTM cũng đã cho 1.056 khách hàng vay gói tín dụng với số tiền 567 tỉ đồng. Trong đó, đã giải ngân hơn 309 tỉ đồng cho 833 cá nhân. Mới đây, theo UBND TPHCM, hiện có thêm 3 DN đang làm việc với NH để vay vốn.
Theo UBND TPHCM, nguyên nhân khiến việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng chậm là do khi vay vốn, NH yêu cầu các DN phải có 30% vốn tham gia vào dự án, trong khi đa số DN đi vay đang gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, việc yêu cầu DN theo nội dung trên là rất khó khăn. Bên cạnh đó, một số dự án đã được cho phép chuyển đổi, và Bộ Xây dựng đã có danh sách gửi NHTM xem xét cho vay. Tuy nhiên, khi thẩm định khả năng tài chính của DN, nhiều NH không cho vay vốn vì đang có nợ xấu...
Dự án bất động sản
Thực tế ghi nhận được là NH rất thận trọng khi cho vay dù rất muốn đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng nên nhiều NH yêu cầu, muốn vay được vốn, ngoài tài sản đảm bảo, người vay phải chứng minh được thu nhập cũng như khả năng trả nợ. Dó đó, không ít hồ sơ vay vốn của cá nhân không đáp ứng đủ điều kiện vay. Đây cũng là nguyên nhân khiến các DN khi mới triển khai gói tín dụng ưu đãi thì ồ ạt đăng ký vay, nhưng sau đó từ từ rút lui vì vấp phải các loại rào cản, trong đó lớn nhất là nợ xấu.
Theo giám đốc một NHTM, trong tổng số hàng trăm tỉ đồng nợ xấu, nợ BĐS chiếm hơn một nửa, thậm chí có thể lên tới 60-65%, và NH thì đang phải rất đau đầu để xử lý cục máu đông này. Chính vì vậy nghe nói đến BĐS là đã thấy ngại. Ngoài tái cơ cấu nợ nhằm nuôi nợ để thu hồi nợ, các NH đều khá ngần ngại để “bơm” thêm cho BĐS, nhất là cho chủ đầu tư vay. Đơn giản là vì doanh thu của các DN BĐS vẫn èo uột, hàng hóa, dịch vụ không bán được. Nói một cách khác, BĐS tiếp tục bất động.
Doanh nghiệp bất động sản vừa bán, vừa tặng nhà cũng không xong
Bên đi vay muốn vay, nhưng thiếu điều kiện, còn bên cho vay muốn cho vay, song ngại rủi ro, nên không thể giải ngân. Do đó, việc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng chỉ có thể được đẩy nhanh khi các NHTM bị “ép”, nhưng điều này thể hiện sự thiếu bền vững. Vì tiền cho vay vẫn là tiền của chính các NHTM huy động từ dân cư nên họ phải bảo đảm không rơi vào nợ xấu. Các NHTM sẽ lọc nhóm đối tượng được vay, chỉ những người ở nhóm trên cùng của diện được vay mới có thể vay được, vì nhóm này có khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, về mặt quy định để vay vốn được gói 30.000 tỉ đồng hiện nay cũng vẫn có nhiều quy định không hợp thực tế, từ đó tạo nên rào cản. Điển hình là việc quy định tiêu chí chỉ cho vay với căn hộ có diện tích dưới 70m2 đã trở nên cứng nhắc so với sự biến động của thực tế và khiến cho việc tham gia gói hỗ trợ khó khăn hơn. Đơn cử như trường hợp CTCP Đầu tư y tế Việt Nam, chủ đầu tư dự án chung cư Tân Kiên gồm 653 căn hộ có diện tích 84m2/căn hộ đã xây dựng xong. Bán ngoài thị trường không xong, diện tích căn hộ lớn hơn 70m2 nên không lọt vào gói 30.000 tỉ đồng. Chủ đầu tư bấm bụng hiến kế: Bán 70m2 với giá 14 triệu đồng/m2 và tặng 14m2 còn lại, đồng thời đề nghị cho khách hàng được vay trong nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng. Chủ đầu tư xin tự nguyện được cho, Hiệp hội BĐS TPHCM cũng kêu giúp, nhưng rồi cho đến bây giờ sự việc đã rơi vào quên lãng!
Chính vì thế mà mới đây Hiệp hội BĐS TPHCM đã phải kiến nghị, NHNN nên xem xét cho DN đang đầu tư dở dang các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi này để hoàn thiện dự án, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu. Bên cạnh đó, Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, chính quyền không nên tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội rồi bán như hiện nay, vì giá bán một số dự án nhà ở thương mại ở thành phố đang gần tương đương giá bán nhà ở xã hội. Thay vào đó là cơ chế khuyến khích các DN tham gia, đồng thời miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với DN đang làm nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ...
(DNSG)