Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia (DLQG) Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến năm 2025, Khu DLQG Hồ Núi Cốc phấn đấu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch.
Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Hồ Núi Cốc thuộc địa bàn TP Thái Nguyên và toàn bộ thắng cảnh hồ Núi Cốc. Vùng lõi tập trung phát triển thành Khu DLQG rộng 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).
Được biết, việc quy hoạch sẽ tập trung vào các khu chức năng chính như Khu Trung tâm có quy mô khoảng 700 ha, định hướng đầu tư xây dựng các hạng mục khu dịch vụ đón tiếp; khu dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí tổng hợp; khu dịch vụ khách sạn, nhà hàng, mua sắm...
Quy mô phân khu văn hóa - tâm linh có diện tích khoảng 200 ha, định hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Trong khi đó, diện tích phân khu sinh thái khoảng 300 ha, được định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp.
Bên cạnh đó, quy hoạch đưa ra định hướng phát triển theo lộ trình các khu chức năng phụ trợ; định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; xây dựng các tuyến du lịch kết nối; định hướng đầu tư và các giải pháp thực hiện quy hoạch.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2025, Khu DLQG Hồ Núi Cốc đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, khách quốc tế có lưu trú là 10 nghìn lượt. Đến năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, khách quốc tế có lưu trú khoảng 20 nghìn lượt.
Đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 860 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 1.800 lao động tính đến năm 2025, trong đó khoảng 600 lao động trực tiếp. Năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 2.800 lao động, trong đó khoảng 1.000 lao động trực tiếp.
Việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu DLQG Hồ Núi Cốc có vai trò vô cùng quan trọng nhằm kết nối khu du lịch hồ Núi Cốc với các vùng lân cận và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Qua đó, tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trước năm 2025.
(Trí thức trẻ)