Quản lý - Quy hoạch

Dự án cải tạo chung cư cũ cần được công khai để dân đồng thuận

05/12/2014 - 07:47

Vừa qua Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ MLIT Nhật Bản đã phối hợp tổ chức Hội thảo về nhà ở và bất động sản. Tham gia hội thảo có ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và ông Koichi Yoshida, Phó Thứ trưởng phụ trách xây dựng, kỹ thuật và bất động sản, Bộ MLIT.

Cải tạo chung cư cũ là vấn đề được quan tâm tại hội thảo
Cải tạo chung cư cũ là vấn đề được quan tâm tại hội thảo

Nhận định về hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia 2 nước trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc đề ra các giải pháp nhằm xác định cụ thể nguồn cung và nhu cầu nhà ở xã hội, các cơ chế nhằm huy động được nguồn vốn dài hạn và trung hạn để tạo lập quỹ nhà ở giá rẻ dành cho những đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp cũng như người nghèo tại khu vực đô thị có cơ hội cải thiện chỗ ở.

Hội thảo còn là cơ hội cho các cơ quan hoạch định chính sách nhà ở của Việt Nam được trực tiếp trao đổi và thảo luận với các chuyên gia Nhật Bản về xây dựng các văn bản hướng dẫn để Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi Luật Nhà ở sửa đổi sớm được đi vào thực tiễn cuộc sống.

Những điểm mới và nội dung cơ bản trong  Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi sửa đổi đã được lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng trình bày ngắn gọn, súc tích, giúp các chuyên gia Nhật Bản nắm bắt và hiểu rõ về 2 Luật trong lĩnh vực xây dựng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua.

Nhiều chuyên gia bất động sản của hai nước tham gia hội thảo
Nhiều chuyên gia bất động sản của hai nước tham gia hội thảo

Trong khi đó, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong công cuộc cải tạo chung cư cũ và tái thiết đô thị tại đất nước mặt trời mọc. Theo đó, trước năm 2006, Nhật Bản còn tồn tại một số lượng lớn chung cư được xây dựng từ những năm 1960 - 1970 (giai đoạn Nhật Bản phát triển nhảy vọt). Hầu hết những căn hộ này đều có diện tích nhỏ, phù hợp người lao động có thu nhập thấp thuê và đều đã bị xuống cấp theo thời gian.

Để chất lượng cuộc sống của người dân sống trong các căn hộ này được đảm bảo, năm 2007 Nhật Bản đã quyết định tái thiết các khu chung cư cũ bằng việc dỡ bỏ những tòa nhà cũ, xây dựng những tòa nhà mới cao tầng hơn, từ đó hình thành các căn hộ có diện tích lớn hơn với mục đích tăng diện tích sử dụng cho người dân.

"Không chỉ riêng Việt Nam mà ở Nhật Bản, người dân cũng cảm thấy bất an khi chính quyền dỡ bỏ khu chung cư cũ để xây dựng những tòa nhà mới. Kinh nghiệm của chúng tôi là cần công khai tất cả những thông tin về dự án, song song với tổ chức trao đổi lấy ý kiến với người dân để tạo sự đồng thuận. Bên cạnh đó, để tăng sức thuyết phục, chúng tôi cũng đưa ra những mô hình và dự án đã phát huy hiệu quả trên thực tế làm dẫn chứng" - ông Hideyuki Iwata, phòng Phúc lợi xã hội, Cục Tái thiết Đô thị, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT) chia sẻ về kinh nghiệm cải tạo chung cư cũ của Nhật Bản.

"Trong việc cải tạo các khu chung cư cũ, chúng tôi phân loại thành: Dỡ bỏ toàn bộ xong, xây mới hoàn toàn và dỡ bỏ từng phần, xây dựng mới từng phần... Khi chung cư mới cao tầng hơn được xây dựng sẽ tạo ra phần đất dôi dư. Phần đất dư thừa này sẽ được sử dụng làm công viên và nhà sinh hoạt cho người cao tuổi (vì  tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng ở Nhật Bản) hoặc chuyển nhượng cho các Công ty tư nhân xây dựng hạ tầng dịch vụ. Đặc biệt chúng ta phải chú trọng tạo điều kiện để người dân được trở lại tái định cư tại tòa nhà ngay sau khi được xây dựng mới" - ông Hideyuki Iwata chía sẻ.

Ông Hideyuki Iwata cũng thông tin thêm: "Nhật Bản có 769.000 ngôi nhà nằm trong diện quản lý vào cuối năm 2006, đồng thời quỹ nhà cũng được thành lập nhằm đảm bảo cho người thuê nhà có một cuộc sống ổn định. Chúng tôi đề ra mục đích ngắn hạn là tái cải tạo 100.000 căn nhà, đồng thời quỹ nhà sẽ giảm khoảng 50.000 căn vào năm 2018, theo đó mục tiêu dài hạn cho việc tái thiết này là sẽ giảm 30% số lượng nhà từ năm 2007 đến năm 2048".

(Báo Xây dựng Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm