Rất cần chế tài mạnh
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phân tích:
Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở quá sơ hở, còn thiếu chế tài
với những chủ đầu tư huy động vốn của người dân mà không xây dựng, cầm
tiền đi đầu tư vào mục đích khác.
“Khi người dân góp tiền mua nhà thì tiền đó phải nằm trong một tài khoản
nhất định để chủ đầu tư xây nhà. Chủ đầu tư sử dụng tiền này vào mục
đích khác là lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chủ đầu tư
sai phải xử lý hình sự chứ không phải là dân sự. Chế tài mạnh thì sẽ
không còn kiểu làm ăn chụp giật” - ông Lịch nói.
Nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn nhưng các doanh nghiệp bất động
sản khi triển khai dự án lại luôn đau đầu với… một rừng luật. Ảnh: MAI
THẢO |
Nhiều quy định không cần thiết
Cũng theo ông Lịch, nhiều quy định trong Luật Nhà ở quá chi tiết, không
cần thiết như việc khống chế chiều cao, bề ngang của nhà liên kế hoặc
chiều cao của nhà ở xã hội (không quá sáu tầng). “Nên để chính quyền địa
phương tự quy định tùy theo chiến lược phát triển nhà ở, quỹ đất, quy
hoạch đô thị và giá trị sử dụng đất” - ông Lịch nói.
Nhận xét về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, ông Lê Chí Hiếu,
Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, cho rằng Nhà nước chỉ
muốn quản lý cho chặt chứ không nhằm phục vụ cho sự phát triển. “Càng
xuống bên dưới luật càng phức tạp. Chẳng hạn về cấp phép xây dựng, lúc
trước trong khu đô thị chỉ cần có mẫu nhà là xong nhưng giờ phải xin
phép và phải có giấy phép cho nguyên lô, nguyên dãy. Với nhiều quy định
của luật hiện nay, doanh nghiệp bất động sản không biết đâu mà lần” -
ông Hiếu nói.
Kiến nghị bỏ khung giá đất
Về bảng giá đất, nhiều đại biểu nêu thực tế đang diễn ra tại TP.HCM:
“Hằng năm, UBND TP và 24 quận, huyện phải tốn rất nhiều thời gian, tiền
bạc để xây dựng bảng giá đất. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thì chỉ áp
dụng cho mục đích tính thuế trước bạ”.
Các đại biểu chỉ rõ vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá đất để tính tiền
sử dụng đất. Theo quy định, việc thu tiền sử dụng đất phải sát giá thị
trường trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, cụm từ “sát giá thị
trường trong điều kiện bình thường” không được quy định rõ nên cả cơ
quan nhà nước lẫn doanh nghiệp đều lúng túng.
Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP, đánh giá việc thu tiền sử
dụng đất hiện nay rất ách tắc. Luật quy định phải tính giá đất sát theo
giá thị trường. Tuy nhiên, khung giá đất của TP được Chính phủ quy định
cao nhất lại không quá 81 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường nhiều
khu vực của TP hiện nay đã cao gấp nhiều lần khung giá quy định.
Theo ông Tấn, việc doanh nghiệp đầu tư một dự án kéo dài 5-10 năm là
bình thường. Trong khi đó, thời điểm xác định giá đất khác nhau rất
nhiều qua các nghị định (Nghị định 38/2005 quy định thời điểm xác định
giá đất được tính khi doanh nghiệp nộp hồ sơ. Tới Nghị định 98/2007 xác
định là thời điểm có quyết định giao đất. Nghị định 120/2010 lại quy
định đóng theo giá thị trường trong điều kiện bình thường…). Từ đó, lãnh
đạo Cục Thuế TP kiến nghị cần nhanh chóng bỏ khung giá đất, đồng thời
giao UBND TP xây dựng bảng giá đất phù hợp và phải ổn định ít nhất trong
năm năm.
Sớm sửa luật để bất động sản “chuyển động”
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, phát biểu: “Nếu lần
này chỉ sửa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là chưa ổn khi mà
các luật liên quan không đồng bộ, chồng chéo. Luật Đất đai, Quy hoạch,
Xây dựng cũng rối như tơ vò…” - ông Tài nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng không chỉ sửa hai luật này mà còn phải sửa
nhiều luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… để tránh sự
chồng chéo, thiếu đồng bộ và mâu thuẫn như hiện nay.
Gút lại buổi làm việc, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc
hội TP.HCM, cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến trên để việc soạn
thảo sửa đổi hai luật này sẽ hoàn chỉnh hơn.
Quyền lợi người dân bị xâm phạm
Người dân mua nhà luôn chịu thiệt. Vấn đề chính là luật làm sao ngăn
ngừa tình trạng chủ đầu tư thiếu năng lực khi triển khai dự án. Nhiều
chủ đầu tư xí phần, đầu cơ trục lợi không triển khai dự án dẫn đến lãng
phí quỹ đất, tạo nguồn cung ảo, lệch cầu.
Đại biểu LÊ ĐÔNG PHONG
Nên coi tiền sử dụng đất như một sắc thuế
Tại sao có thuế sử dụng đất nông nghiệp mà không có thuế sử dụng đất ở?
Biến tiền sử dụng đất trở thành một sắc thuế thì không phải huy động cả
bộ máy để tiến hành xây dựng bảng giá đất hằng năm như hiện nay.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Gói 30.000 tỉ đồng vẫn tắc
Đến nay, gói 30.000 tỉ đồng có 66 khách hàng ký kết hợp đồng. Như vậy là thấp.
Ông TRẦN TRỌNG TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng TP
Cách thu thiếu tính bền vững
Nếu vẫn giữ cách thu tiền sử dụng đất theo diện tích đất và thu một lần
như hiện nay thì đến một lúc nào đó sẽ không còn gì để thu nữa. Cách
thu như vậy là thiếu tính bền vững.
Bà NGUYỄN THỊ CẨM VÂN,Trưởng phòng Kế hoạch, Sở TN&MT
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
(Nguồn sưu tầm)