Tại hội thảo về quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư được tổ chức bởi Bộ Xây dựng ngày 7/3 vừa qua, đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM đề xuất bỏ quy định nộp 2% phí bảo trì khi mua nhà chung cư.
Trưởng phòng quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng Tp.HCM), ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng nên bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì chung cư khi sửa đổi Luật Nhà ở. Đồng thời, nên đưa ra các chế tài liên quan tới trách nhiệm của cư dân khi phát sinh những vấn đề cần đến khoản phí này.
Theo ông Hải: "Chúng ta đưa ra quy định 2% phí bảo trì nhà chung cư là vì muốn có sẵn tiền ở đó, khi phát sinh là có tiền sửa luôn. Nhưng nhà nước và chủ đầu tư đâu có lo mãi cho cư dân được? Phí bảo trì cũng là nguồn quỹ có hạn sử dụng, thông thường chỉ khoảng 5-10 năm thì cũng sẽ hết. Vậy sau khi hết 2% phí bảo trì nhà chung cư nộp khi mua nhà thì sao? Tôi cho rằng, quy định pháp luật cho giai đoạn này mới là quan trọng, tính toán phát sinh rất nhiều vấn đề. Lúc đó, ai sẽ nộp? Vẫn là người dân nộp chứ nhà nước hay chủ đầu tư cũng đâu có lo mãi được?".
|
Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM đề xuất bỏ quy định nộp 2% phí bảo trì
khi mua nhà chung cư. (Ảnh: Lê Quân) |
Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM phân tích, khi quy định 2% phí bảo trì chung cư, muốn cưỡng chế hay xử lý chủ đầu tư thì phải xác định được 2% phí bảo trì là bao nhiêu. Để tính khoản phí này, người ta căn cứ vào giá bán rồi nhân (x) với 2% tổng giá trị của căn hộ. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là, một dự án được bán trong nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ với mỗi mức giá khác nhau; thậm chí, mỗi căn hộ lại một giá bán. Theo ông Hải, "muốn xác định 2% phí bảo trì là bao nhiêu, muốn đúng thì 2 bên phải ký biên bản, phải ngồi lại kiểm tra lại số tiền cụ thể từng căn hộ là bao nhiêu, trích ra 2% phí bảo trì, nhưng mà chủ đầu tư không ký, rồi thì Ban quản trị cũng đâu có chuyên môn nghiệp vụ đi kiểm tra từng căn hộ sổ sách kế toán bán ra là bao nhiêu tiền để ra được 2% phí bảo trì nhà chung cư là bao nhiêu? Như vậy rất rắc rối".
Trên cơ sở đó, ông Hải kiến nghị bỏ quy định thu 2% phí bảo trì nhà chung cư khi mua căn hộ. Về sau phát sinh bao nhiêu thì người sử dụng sẽ nộp vào, nếu không nộp thì phải có chế tài quy định.
Đồng tình với đề xuất của ông Hải, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo nhận định, việc sử dụng và quản lý phí bảo trì 2% hiện rất khó khăn bởi đây là nguồn tiền khá lớn, có thể lên tới cả trăm tỷ đồng. Hơn nữa, ban quản trị nhà chung cư cũng thiếu năng lực chuyên môn, chưa chuẩn hóa được về tiêu chuẩn.
Để có kinh phí bảo trì chung cư cần phải tính toán theo kế hoạch từng năm, cụ thể hóa và thu theo năm. Có thể cắt nước, cắt điện đối với những căn hộ không chịu nộp phí bảo trì. Kế hoạch bảo trì nhà chung cư mỗi năm sẽ do ban quản trị quyết định phê duyệt, từ đó quyết định thu mức phí bảo trì theo kế hoạch.
(Thanh Niên Online)