Quản lý - Quy hoạch

Đà Nẵng sẽ chốt rà soát quy hoạch đất trong tháng 10/2015

28/08/2015 - 07:50

Vừa qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp rà soát một số dự án đầu tư chậm triển khai trên địa bàn và yêu cầu các sở ngành quản lý phải rà soát tình trạng chây ỳ ở các dự án, có số liệu thống kê và đề xuất xử lý chậm nhất trong tháng 10/2015.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ông Phùng Tấn Viết chủ trì cuộc họp rà soát này đã yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Cục Thuế Đà Nẵng nhanh chóng đánh giá lại các dự án đầu tư chậm triển khai trên địa bàn, tiến hành báo cáo thông tin đích xác cho lãnh đạo địa phương để có quyết định xử lý kịp thời.

Vấn đề tồn đọng nhiều năm?

rà soát quy hoạch đất
Tại Đà Nẵng, các dự án hạ tầng chậm tiến độ nhiều năm vẫn chưa triển khai
thực hiện được

Theo đó, vấn đề được ông Viết đặt ra là tại sao các dự án đã tồn đọng nhiều năm, thậm chí có những dự án đã trực tiếp có công văn yêu cầu xử lý từ Thành ủy Đà Nẵng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể xử lý một cách triệt để.
 
Cụ thể, hiện có 42 dự án đầu tư ven biển Đà Nẵng, trong đó đa số đều triển khai chậm tiến độ, nhiều dự án chỉ nằm trên giấy, hay chỉ triển khai đối phó với chính quyền. Còn các dự án triển khai thì lại sai quy hoạch, dự án xây dựng những hạng mục không có trong quy hoạch. 
 
Điều đó được thể hiện ở một số dự án đầu tư các khu thể thao giải trí trên biển Đà Nẵng, một thời gian sau khi được ưu đãi tiến độ để đầu tư xây dựng cơ bản đã biến thành khách sạn, nhà hàng. Được biết, tỷ lệ mật độ xây dựng cho phép ở các dự án này chỉ từ 10-20% đã tăng lên đến từ 40-50% mà vẫn ngang nhiên được tiến hành và hoạt động.
 
Thời gian qua dư luận cũng đã có nhiều bức xúc đối với số dự án trì trệ ở khu vực trung tâm Đà Nẵng, nhưng cho đến nay vẫn không có chuyển biến gì mới. Bên cạnh đó, các dự án sau một thời gian dài chậm triển khai đến nay đơn vị đầu tư lại gặp khó khăn nên càng không thể triển khai được.
 
Ông Viết cho rằng: “Các dự án này càng để lâu càng gây bức xúc, đơn cử như dự án Tập đoàn Thiên Thanh cần đề nghị các ngành kiểm tra lại thực tế và đề xuất rõ hướng xử lý. Trong trường hợp liên quan đến giấy phép hoạt động kinh doanh thì cần xem xét có nên thu hồi giấy phép khi ngừng hoạt động quá lâu. Còn nếu liên quan đến đất đai cần phải xem lại thực trạng đất đã giao cũng như các thủ tục liên quan, trường hợp cần thiết thì kiến nghị thu hồi chứ không thể để mãi được”. 

Liệu tháng 10 có giải quyết xong?

rà soát quy hoạch đất
Trong tháng 10 năm nay, Đà Nẵng đặt yêu cầu rà soát xong các dự án chậm
 tiến độ

Song trước thông tin đòi hỏi vận động chốt thời hạn rà soát này, các thành viên dự họp cho răng rất khó để có được những giải pháp thực thi giải quyết. 
 
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng đặt bài toán xử lý các dự án chậm trễ trên địa bàn. Vừa qua, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các chủ đầu tư dự án ký cam kết thực thi tiến độ đầu tư chậm nhất trong tháng 6 và chuyển qua tháng 7/2015, tuy nhiên dự án vẫn cứ chây ỳ. Vấn đề đặt ra là, liệu một lần nữa các ngành quản lý địa phương có sai hẹn với mốc tháng 10/2015 này không?
 
Theo một lãnh đạo Tài nguyên Môi trường: “Ai cũng biết là bức xúc, tuy nhiên cần thấy hiện trạng chây ỳ ở các dự án có liên quan 3 điều. Một là, chính công tác quản lý, quy hoạch các dự án, đất đai của cơ quan quản lý không chính xác và chồng chéo. Các dự án cấp đất mà không cấp lối đi vào, chồng lấn đất dự án khác, hoặc có văn bản giao đất nhưng thực tế lại không giao được... Hai là, các văn bản pháp lý quản lý hiện nay còn bất cập, chưa đủ cơ sở để ra quyết định xử lý thu hồi. Hiện các văn bản bộ ngành còn nhiều lỗ hổng pháp lý, gặp vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn, đành phải kiến nghị rồi chờ đợi. Ba là, trách nhiệm chia sẻ cùng nhà đầu tư không rõ ràng. Đối với những dự án muốn thu hồi phải đền bù cho nhà đầu tư những phần đã làm của họ ra sao, hiện vẫn còn khó xác định".

Tiêu biểu phải kể đến dự án khu CNTT tập trung Đà Nẵng, tuy đã có chỉ đạo của địa phương cần thu hồi, song việc xác định mức độ đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư khi hủy dự án vẫn treo lơ lửng. Mặt khác, chủ đầu tư hạ tầng dự án này còn kiến nghị xem xét lại tính chất pháp lý, bởi nếu không thỏa đáng sẽ còn khởi kiện chính quyền địa phương.
 
Với thực trạng bộn bề trên, tháng 10/2015 liệu có là hạn mốc thực sự cho Đà Nẵng xoay chuyển các dự án chậm tiến độ vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế đầu tư liên quan đến hạ tầng, do đó địa ốc Đà Nẵng chưa có nhiều tín hiệu lạc quan mới.

(CafeLand)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm