Với lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một đô thị phát triển bền vững, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại… Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã và đang học hỏi cách làm của Yokohama (Nhật Bản).
Yokohama là một thành phố cảng hiện đại của Nhật Bản, có nhiều nét tương đồng với Đà Nẵng, đặc biệt là về điều kiện tự nhiên. Những vấn đề mà Đà Nẵng phải giải quyết để hướng tới một đô thị hiện đại cũng chính là những việc mà Yokohama đã từng thực hiện. Trong quá khứ, Yokohama phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ các vấn đề đô thị như: ùn tắc giao thông, thiếu diện tích đất công cộng, ô nhiễm môi trường, dân số đô thị tăng nhanh…
Đà Nẵng đang hướng đến việc phát triển đô thị bền vững
Tuy nhiên, bằng những giải pháp hợp lý, Yokohama đã thay đổi để trở thành một trong những thành phố năng động, hiện đại và phát triển bền vững ở Nhật Bản… Trước khi lựa chọn mô hình của Yokohama để học hỏi, Đà Nẵng cngx đã tham khảo nhiều mô hình phát triển đô thị tiên tiến khác trên thế giới như ở Hoa Kỳ hay Singapore…
Mới đây tại Diễn đàn “Phát triển đô thị Đà Nẵng” do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và chính quyền thành phố Yokohama tổ chức, nhiều chuyên gia phát triển đô thị của Nhật Bản cho biết, thành công của Yokohama bắt nguồn từ việc tìm được lời giải cho bài toán quản lý đầu tư tài chính để phát triển đô thị một cách bền vững. Trong đó, chính quyền đã phát huy được vai trò, khi kết nối được nguồn đầu tư của ngân sách, khai thác quỹ đất cũng như sự đóng góp từ các khu vực tư nhân…
Theo nhận định của ông Osamu Abe, Phó trưởng đoàn khảo sát JICA, Đà Nẵng là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực miền Trung. Bởi thế, thành phố phải trở thành đầu tàu, đóng vai trò kết nối với các địa phương khác trong khu vực. Theo đó, thành phố cần ưu tiên phát triển du lịch và công nghiệp hỗ trợ nhằm tận dụng tối đa những lợi thế tự nhiên. Trước mắt, Đà Nẵng cần phải giải quyết và ngăn chặn vấn đề ô nhiễm, phòng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Ông Tessuya Nakajima, Giám đốc Trung tâm Hợp tác thúc đẩy và sáng kiến, Cục chính sách Yokohama cam kết sẽ giúp Đà Nẵng xây dựng và phát triển bền vững theo hướng trở thành một thành phố sinh thái, xanh, sạch và thân thiện môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, cần phát triển đô thị tích hợp, quản lý tài chính đồng thời triển khai hợp tác theo mô hình hợp tác công - tư (PPP). Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề đầu tư tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng; sử dụng hiệu quả cacs công nghệ, khả năng tài chính, quản lý từ lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ngoài việc nắm bắt ý tưởng thì nội dung của sự hợp tác phát triển đô thị giữa Đà Nẵng và Yokohama sẽ đi vào thực chất để hướng tới phát triển đô thị một cách bền vững. Đà Nẵng đã đề nghị chính quyền Yokohama và JICA tiếp tục quan tâm, chia sẻ các kinh nghiệm, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để Đà Nẵng phát triển, vươn lên thành một điểm sáng trong mạng lưới đô thị ở châu Á.
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang tập trung phát triển đô thị theo các hướng Đông Nam, Tây Bắc và Tây Nam, trên cơ sở khai thác tối đa các ưu thế thuận lợi từ điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị với nhiều công trình công cộng trọng điểm như bệnh viện, sân bay, các tuyến đường và cây cầu...
(Thời báo ngân hàng Online)