Vừa qua, tại Hội thảo do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức, giới chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Quy hoạch còn bộc lộ nhiều bất cập về cả nội dung lẫn hình thức.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Hồng Quân, tờ trình Dự thảo Luật Quy hoạch mới chỉ nêu thực trạng lập quy hoạch quá nhiều nhưng không hiệu quả diễn ra ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương… cho thấy sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch nhằm tránh lãng phí, thất thoát tài sản xã hội. Thế nhưng, dự thảo lại không phản ảnh đúng bản chất của sự việc khi không làm rõ trong số hàng chục nghìn bản quy hoạch gây tốn kém, thất thoát ngân sách nhà nước đó, có bao nhiêu bản quy hoạch phi vật thể, quy hoạch xây dựng và mỗi đồ án quy hoạch vật thể phải chi bao nhiêu tiền?
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, hiệu quả của các quy hoạch phi vật thể (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội) rất hạn chế dù chúng ta đã chi rất nhiều tiền. Ông Quân dẫn chứng: “Tôi đã từng xem một tập tài liệu mỏng, không có quá nhiều giá trị về nội dung được gọi là quy hoạch phát triển của một ngành, phải chi vài tỷ đồng mới có được tập quy hoạch đó mà không biết giá trị thực tế của nó”.
Dự thảo Luật Quy hoạch còn nhiều bất cập cả về nội dung lẫn hình thức.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Đánh giá về nội dung Dự thảo Luật Quy hoạch, theo ông Quân, nhận thức về bản chất của câu chuyện quy hoạch trong luật quy hoạch là không chuẩn, việc sắp xếp, bố trí chỉ làm được và khả thi đối với quy hoạch vật thể còn không gian kinh tế - xã hối không thể sắp xếp được.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đưa ra khái niệm “tích hợp” nhưng nội hàm trong Luật không có điều khoản nào nói về tích hợp quy hoạch là gì và cũng không có điều khoản nào nói đến việc xử lý các quy hoạch hiện có. Vậy làm quy hoạch trong tương lai theo phương pháp tích hợp là như thế nào? Vấn đề này còn chưa rõ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ông Trần Ngọc Chính cũng bày tỏ lo ngại về tính khả thi của dự thảo Luật Quy hoạch. Lý do là, sẽ có 35 luật khác cùng nhiều văn bản dưới luật cần phải điều chỉnh một khi Dự thảo Luật Quy hoạch này được thông qua. Song, từ nay đến thời điểm luật có hiệu lực là 1/1/2019, Quốc hội chỉ còn 3 kỳ họp. Mặt khác, ông Chính cho rằng, nếu giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm đầu mối trình phê duyệt hệ thống quy hoạch sẽ rất bấp cập. Bởi lẽ, trong đó có nhiều quy hoạch chuyên ngành nên có thể gây quá tải cho Bộ này.
(Tiền phong Online)