Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở vừa được Chính phủ ban hành, biện pháp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì chung cư bao gồm việc buộc chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì được gửi từ tài khoản đã lập theo quy định hoặc chuyển kinh phí từ tài khoản khác của chủ đầu tư sang tài khoản do Ban quản trị quản lý…
Nghị định trên gồm 9 Chương và 88 Điều quy định cụ thể những nội dung liên quan đến phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở; sử dụng, quản lý nhà ở; sử dụng, quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài; giao dịch nhà ở.
Nội dung nghi định vừa mới ban hàng quy định cụ thể thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Theo đó, nếu chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hay bàn giao không đầy đủ, bàn giao không đúng hạn theo quy định thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Bắt đầu từ ngày 10/12/2015, nếu chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì chung
cư sẽ bị cưỡng chế.
Kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, trong thời hạn 15 ngày UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, xem xét; trong trường hợp các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, trong thời hạn không quá 7 ngày chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.
Nếu các bên vẫn chưa lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì thì các bên phải thống nhất quyết toán số liệu và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị trong thời hạn 10 ngày, tính từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh.
Mặt khác, việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư phải lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ban quản trị và chủ đầu tư, sau khi bàn giao kinh phí bảo trì, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh biết.
Nếu quá thời hạn quy định nêu trên mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này Ban quản trị, chủ đầu tư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản; đồng thời trong quyết định cưỡng chế UBND cấp tỉnh phải ghi rõ số kinh phí chủ đầu tư phải bàn giao sau khi trừ kinh phí mà chủ đầu tư phải sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung (nếu có), biện pháp cưỡng chế, thời hạn bàn giao và trách nhiệm của các bên liên quan để thực hiện quyết định này.
Cụ thể, biện pháp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì bao gồm việc buộc chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì được gửi từ tài khoản đã lập theo quy định hay chuyển kinh phí từ tài khoản khác của chủ đầu tư sang tài khoản do Ban quản trị quản lý hoặc xử lý tài sản của chủ đầu tư. Kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế, trong thời hạn 30 ngày phải thực hiện việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Kinh phí phải bàn giao gồm toàn bộ số tiền bảo trì (cả gốc và lãi) theo số liệu kinh phí mà các bên đã quyết toán; trong trường hợp các bên không thống nhất quyết toán số liệu thì bàn giao theo số liệu ghi trong quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh.
Kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, trong thời hạn 3 ngày tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư hay quản lý tài khoản khác của chủ đầu tư theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do Ban quản trị lập để sử dụng, quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở và quyết định cưỡng chế; nếu phải xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì cho Ban quản trị thì trong quyết định cưỡng chế UBND cấp tỉnh phải nêu rõ biện pháp xử lý tài sản, hình thức xử lý, trách nhiệm của đơn vị xử lý tài sản và việc chuyển giao kinh phí thu hồi cho Ban quản trị nhà chung cư.
Trường hợp phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý theo luật định.
Cùng đó, việc bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải được lập thành biên bản có xác nhận của Ban quản trị và chủ đầu tư; nếu chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hay bàn giao không đầy đủ, bàn giao không đúng hạn theo quy định thì phải có thêm xác nhận của bên tổ chức cưỡng chế và đại diện tổ chức tín dụng thực hiện chuyển kinh phí này hoặc đại diện của bên xử lý tài sản của chủ đầu tư (trường hợp có xử lý tài sản của chủ đầu tư).
Được biết, Nghị định nói trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2015.
(Infonet)