Quản lý - Quy hoạch

Chống độc quyền trong quản lý, vận hành nhà chung cư

20/09/2016 - 10:12

Các Sở Xây dựng địa phương phải công khai mọi thông tin của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trên cổng thông tin điện tử của mình để người dân được quyền lựa chọn, ký hợp đồng trực tiếp…

Đó là một trong những nội dung mới và sửa đổi tại dự thảo Thông tư quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư vừa được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến các Bộ, ngành, giới chuyên gia để quản lý hoạt động chung cư thời gian tới tốt hơn.

Bộ Xây dựng sửa đổi Khoản 9 Điều 29 về quản lý vận hành nhà chung cư quy định: Vận hành, quản lý nhà chung cư phải được thực hiện thông qua hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư ký giữa đơn vị quản lý vận hành và Ban quản trị (BQT) tòa nhà.

Dự thảo của Bộ Xây dựng khẳng định: “Hợp đồng dịch vụ các bên ký kết phải đăng tải công khai tên đơn vị quản lý, họ tên người đại diện pháp luật, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của đơn vị vận hành, quản lý".

Nhằm chống việc bắt tay giữa chủ đầu tư, các thành viên BQT (trong các thành viên BQT có đại diện chủ đầu tư dự án chung cư) với đơn vị vận hành, Bộ Xây dựng đề nghị các Sở Xây dựng có trách nhiệm đăng tải công khai các thông tin của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình để phục vụ công tác quản lý. Mặt khác, trước khi ký kết hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư, qua Hội nghị nhà chung cư, người dân có thể căn cứ các thông tin trên để lựa chọn các đơn vị vận hành tốt nhất và kiến nghị BQT ký hợp đồng vận hành với các đơn vị được lựa chọn.

quản lý chung cư
Trong thời gian tới, vận hành, quản lý và khai thác nhà chung cư sẽ bị quản lý chặt chẽ.

Thực tế cho thấy, các chung cư vẫn duy trì hoạt động quản lý vận hành các hạng mục như vận hành thang máy, cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ an ninh, bán lẻ, vệ sinh môi trường… tách rời với hoạt động quản lý chung. Nhiều tòa nhà chung cư đang được chỉ định đơn vị vận hành bởi các chủ đầu tư dự án, khiến chi phí dịch vụ tăng cao, cư dân chung cư không có sự lựa chọn khác.

Không ít các nhà chung cư, tuy người dân đã ở đủ, nguyên tắc là phải thành lập BQT để có tính pháp lý, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của cư dân, nhưng nhiều chủ đầu tư hiện cố tình chưa xác lập với địa phương về việc thành lập BQT.

Do đó, để chống việc độc quyền trong cung cấp các dịch vụ vận hành, quản lý nhà chung cư, Bộ Xây dựng quy định, mỗi tòa nhà chung cư chỉ có 1 đơn vị vận hành quản lý, mỗi cụm chung cư có 1 hoặc đối với cụm nhà chung cư thì có thể có một đơn vị quản lý vận hành hoặc mỗi tòa nhà trong cụm có 1 đơn vị quản lý vận hành riêng theo quyết định của Hội nghị cụm nhà chung cư.

Dự thảo nêu rõ, mỗi tòa nhà chung cư (khối độc lập), số lượng thành viên BQT tối thiểu là 03 thành viên, nếu một tòa nhà có từ 2 khối nhà trở lên và có chung khối đế nổi thì mỗi khối nhà có 1 thành viên trong BQT.

Với cụm nhà chung cư, tối thiểu phải có 06 thành viên BQT, mỗi tòa nhà trong cụm nhà chung cư phải có tối thiểu 01 thành viên BQT. Việc duy trì các thành viên BQT nhằm đại diện cho nguyện vọng và trách nhiệm của các cư dân sống trong khu dân cư.

Theo Bộ Xây dựng, khi tòa nhà chung cư được đưa vào sử dụng, vận hành, chủ đầu tư có trách nhiệm lập Hội nghị nhà chung cư để thống nhất lập BQT lâm thời, đăng ký với cơ quan chức năng cấp xã, phường hoặc Sở Xây dựng để thống nhất quản lý. Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập BQT.

(Dân trí)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm