Quản lý - Quy hoạch

Chỉ có 6 hộ dân ở khu định cư hơn 400 tỷ đồng tại Khánh Hòa

14/12/2015 - 09:11

Khu tái định cư Ninh Thủy (Ninh Thọ, Ninh Hòa, Khánh Hòa) rộng 35 ha chỉ vỏn vẹn có 6 hộ dân dọn về ở, ngay cạnh một trường tiểu học khang trang bị bỏ hoang gần đó.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa qua, dự án trên nằm trong số những khu tái định cư lãng phí hàng trăm tỷ đồng do điều kiện sinh hoạt chưa bảo đảm, không có đất sản xuất, không có việc làm mới được đại biểu nhắc đến.

UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, hạn chót hoàn thành việc di dân về khu tái định cư Ninh Thủy để bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I là tháng 10/2015. Dự án này ảnh hưởng 340 hộ ở thôn Ninh Yển (Ninh Phước), 100 hộ dân trong số đó phải bố trí nơi ở đến khu tái định cư Ninh Thủy. Tuy nhiên, hiện chỉ có 6 hộ dân về đây sinh sống.

Theo ông Trần Văn Hương (một trong 6 hộ dân) chia sẻ, khu tái định cư buồn và bất an vì không có hàng xóm. Tôi nuôi đàn gà hơn 10 con bị trộm hết. Lúc nào cũng phải có một người ở nhà nên cuộc sống hiện nay của gia đình ông rất khó khăn.

Mới chuyển đến khu tái định cư, bà Nguyễn Thị Minh lại lâm cảnh bất ổn về kinh tế. Bà Minh chia sẻ, vợ trồng tỏi thu nhập bình quân gần 40 triệu đồng/năm khi ở nơi cũ, còn chồng làm công nhân, vì thế cuộc sống rất ổn định. Nhưng "Nay lên đây không có đất canh tác nên tôi chỉ quanh quẩn trông nhà, nuôi gà vịt, trộm cắp thường xuyên, trạm điện cạnh nhà còn bị trộm tháo".

Tương tự, khu tái định cư Xóm Quán rộng trên 50 ha được Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đầu tư 394,6 tỷ đồng cũng chưa có hộ nào đến ở. Trong khi, khu tái định cư Vĩnh Yên (Vạn Thạnh, Vạn Ninh) theo kế hoạch dành cho hơn 100 hộ bị giải tỏa để xây dựng dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong cũng chỉ hơn một nửa số hộ dân đến. Thế nhưng, do dự án bị thu hồi nên số hộ này hiện đã bỏ nhà về lại làng cũ.

khu tái định cư
Được đầu tư 427 tỷ đồng nhưng khu tái định cư Ninh Thủy chỉ có 6 hộ dân
dọn về ở. (Nguồn ảnh: Người lao động).

Theo bà Đỗ Thị Dù - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, trong số 100 hộ dân ở Ninh Yển phải tái định cư vẫn còn 23 hộ chưa nhận đất và 25 hộ bàn giao mặt bằng. Hầu hết họ đều mua đất làm nhà ở địa phương khác chứ không vào khu tái định cư bởi ở đó không có đất canh tác, không có việc gì để làm sinh sống và nuôi con ăn học.

Hiện tại, khu tái định cư Ninh Thủy chỉ là bước đi đầu tiên cho việc giải tỏa trắng khoảng 1500 hộ của xã Ninh Phước để nhường đất cho các dự án lớn ở đây. Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 được đề nghị đầu tư từ năm 2006 với diện tích gần 350 ha tại xã Ninh Phước nhưng sau 10 năm vẫn chưa khởi công. Dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong cũng 'bất động' hơn 5 năm nay. Như vậy, việc triển khai các dự án thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân vùng quy hoạch dự án.

Các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh này cần làm rõ việc ở nhiều khu tái định cư người dân xây nhà bị nứt nẻ, sụt lún. Tỉnh có giải pháp gì để giảm thiểu khó khăn cho người dân, giúp họ có thể ổn định cuộc sống cũng như có khảo sát về tình hình hỗ trợ việc làm cho người dân hay không?

Theo ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, những khu tái định cư trên địa bàn cơ bản đáp ứng được về cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bố trí phù hợp với sinh hoạt và việc làm của người dân... Tuy nhiên, một số khu triển khai chưa được đồng bộ, không đáp ứng thỏa đáng nhu cầu người dân về hạ tầng xã hội, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm chưa đồng bộ không đáp ứng được yêu cầu lao động tay nghề cao, hay quỹ đất sản xuất cho các hộ dân thuần nông còn thiếu…Vị này cho rằng, đây là những khó khăn khách quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh cho biết, thời gian tới, địa phương này sẽ chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc xây dựng khu tái định cư nhằm bảo đảm về hạ tầng cơ sở các dự án. Những địa phương có điều kiện cần quy hoạch quỹ đất dịch vụ hay quỹ đất nông nghiệp để đáp ứng phần nào nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp của người dân bị thu hồi nhiều đất và mất nguồn sống ổn định.

Phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn người dân bị thu hồi đất trong việc học nghề phù hợp với khả năng và tìm công việc ổn định tại nơi tái định cư. Cùng đó, phải thông qua ràng buộc đối với các dự án và yêu cầu nhà đầu tư trong việc sử dụng lao động tại địa phương.

Số liệu thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho thấy, tại đây hiện có 5 khu tái định cư với diện tích hàng trăm ha nhưng do khó khăn nhiều mặt nên nhiều dự án chậm triển khai.

(Người lao động)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm