Theo đại diện Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội, chủ yếu được đầu tư bởi ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2000, TP. Đà Nẵng đã chi tiền đầu tư hàng loạt dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan đơn vị ở TP. Đà Nẵng thuê để ở.
Mới đây, thành phố đã đề xuất lên trung ương được thí điểm bán nhà ở xã hội được đầu tư bởi ngân sách nhà nước. Các khối nhà ở xã hội tại khu vực Phong Bắc và Vũng Thùng hiện đã bán gần hết cho các đối tượng khó khăn về nhà ở theo quy định.
|
Một dự án nhà ở xã hội tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: Hữu Khá |
Tính từ ngày nộp đủ tiền mua nhà, sau 5 năm, chủ sở hữu được quyền giao dịch về nhà ở nếu đáp ứng quy định ở đúng đối tượng theo hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
Với các dự án nhà ở xã hội có chủ đầu tư là tư nhân, TP. Đà Nẵng giao đất sạch và không thu tiền sử dụng đất. Thành phố sẽ xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội tại các dự án do tư nhân đầu tư theo quy định.
Với các đối tượng chưa có quyền sử dụng đất ở tại TP. Đà Nẵng, UBND TP. Đà Nẵng quy định một số tiêu chí ưu tiên như sau: người khuyết tật; người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; đối tượng thuộc diện thu hút theo chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố, đối tượng đào tạo theo đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các quận Hải Châu và Thanh Khê; đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn quận, huyện nơi có dự án nhà ở xã hội.
(TTO)