Sửa đổi Luật Nhà ở, không chỉ là cần thiết mà nói như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương là bức thiết. Dự thảo Chính phủ trình cũng được cho là chuẩn bị khá công phu, nếu hoàn thiện tốt sẽ tạo bước ngoặt cho phát triển và quản lý nhà ở. Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, là một trong 5 quan điểm xây dựng dự án luật này. Tuy nhiên, nội dung nói trên vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với quy định tại dự thảo luật là cho phép các cá nhân nước ngoài mà được nhập cảnh vào Việt Nam nếu có nhu cầu thì đều có quyền mua và sở hữu nhà ở. Còn theo loại ý kiến thứ hai thì nên quy định điều kiện chặt chẽ hơn như chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản và để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Các kiến thảo luận tại phiên thẩm tra cũng vẫn cho thấy quan điểm trái chiều. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến băn khoăn: nếu chỉ quy định các cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam nếu có nhu cầu thì đều có quyền mua và sở hữu nhà ở thì lỏng lẻo quá, e rằng không phù hợp lắm! Đồng tình với loại ý kiến thứ hai, đại biểu Luyến cho rằng theo phương án này thì hợp lý hơn. Cũng nghiêng về với loại ý kiến thứ hai, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Chiến cho rằng người nước ngoài đến Việt Nam phải có thời hạn mới được mua nhà. Chọn phương án như quy định tại dự thảo luật, Phó chủ nhiệm Lê Minh Thông lập luận, ở nhiều nước còn cho người nước ngoài mua cả đất, vấn đề chỉ là quản lý như thế nào thôi. “Chả có nước nào hạn chế người nước ngoài mua nhà cả. Đề nghị Bộ trưởng quan tâm chính sách này”, ông Thông phát biểu. Vẫn theo đại biểu Thông thì cần nghiêm túc suy nghĩ về chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ, rửa tiền, chứ hạn chế mua nhà thì không đúng chút nào. "Anh ghé qua Việt Nam anh mua nhà cũng được, nhưng giữ cái nhà đó mới là khó, vì tôi cứ đánh thuế lũy tiến từ cái thứ hai trở lên", ông ví von. "Nhưng, nếu thuế cao thì họ không mua?", một vị đại biểu băn khoăn. "Không mua thì thôi, chứ có gì đâu!", đại biểu Thông đáp. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng đồng tình mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông góp ý nếu quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ để ở là không khả thi chút nào. Vì, một người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam vừa để ở và làm văn phòng công ty luôn, tại sao lại không được? Nhất trí mở cửa rộng hơn cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị bổ sung điều kiện chặt chẽ hơn. Chẳng hạn một số nước quy định người nước ngoài không được sở hữu toàn vẹn cả khu đô thị hay cả nhà chung cư. Theo dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã được chuẩn bị cùng hồ sơ dự án luật, thì người nước ngoài chỉ được phép mua nhà tiền tỷ tại Việt Nam. Cụ thể, đối với khu vực miền núi, nông thôn thì họ chỉ được mua và sở hữu loại nhà có giá trị từ 1 tỷ đồng/căn trở lên. Tương tự là 2 tỷ đồng/căn trở lên với khu vực đô thị loại 2 và loại 3; 2,5 tỷ đồng/căn trở lên với đô thị loại 1 và 3 tỷ đồng/căn trở lên đối với khu vực đô thị loại đặc biệt. Trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây, dự án Luật nhà ở (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận vào phiên họp tháng 3 này, dự kiến bắt đầu từ ngày 10/3. Theo VnEconomy (Nguồn sưu tầm)