Có rất nhiều điểm mới tại Dự thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ, trong đó đáng chú ý là đề xuất của Bộ Xây dựng về việc người dân được tham gia góp vốn cũng như lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo chung cư cũ mà mình đang ở.
Trước nay, đây là lần đầu tiên người dân được phép lựa chọn chủ đầu tư vì thực thế hàng chục năm qua, có những khu chung cư cũ dùng dằng về vấn đề này và không giải quyết vướng mắc này.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều hộ dân đang sống trong những chung cư quá cũ kỹ, hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng cũng mong muốn góp vốn để dự án triển khai nhanh, với điều kiện là chọn được chủ đầu tư đáng tin cậy, năng lực tốt. Do đó, động thái này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực, góp phần làm hài hòa lợi ích giữa các bên để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, có rất nhiều khu trong số gần 1.700 chung cư cũ trên toàn quốc đang xuống cấp nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng và tài sản của cư dân. Vậy nhưng, dù chương trình cải tạo và xây mới chung cư cũ được khởi động được cả thập kỷ nhưng con số thực hiện được vẫn chưa thể vượt quá 2%.
Thủ đô Hà Nội dẫn đầu cả nước với hơn 1.500 chung cư cũ, theo sau là Tp.HCM có 530 chung cư cũ. Trên thực tế, hiện số chung cũ được xây mới tại Hà Nội và Tp.HCM chỉ ở mức rất khiêm tốn, lần lượt là 14 và 38 chung cư.
Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của một chung cư cũ ở Hà Nội.
Nguồn ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Bộ Xây dựng cho hay, nhiều khu nhà chung cư cũ tại các TP lớn được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước và hầu hết đều nằm trong khu vực trung tâm, dân cư đông đúc nên cần hạn chế phát triển về dân số nhằm tránh tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đối với TP Hà Nội, nội dung Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, khu vực trung tâm gồm 4 quận nội thành cũ là nơi có nhiều nhà chung cư cũ đang cần phải giảm quy mô dân số từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người.
Cho nên, việc cải tạo xây dựng lại nhà chung cư tại khu vực này bị hạn chế, nhất là không cho phép điều chỉnh tăng mật độ xây dựng cũng như hệ số sử dụng đất và chiều cao công trình, vì thế không bảo đảm hiệu quả đầu tư khi triển khai thực hiện dự án cải tạo xây dựng lại.
Nghị quyết 34 và Nghị định số 71 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì công tác lập quy hoạch cải tạo xây dựng khu nhà ở cũ phải được tiến hành trước. Theo đó, UBND các cấp theo thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức lập (hay điều chỉnh) và phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với các khu vực có chung cư cũ bị hư hỏng, rmới lựa chọn chủ đầu tư.
Song do khó khăn về vốn nên công tác khảo sát, điều tra các khu nhà ở cũ rất phức tạp. Thế nên các địa phương chủ yếu thực hiện việc chỉ định chọn chủ đầu tư trước và giao các chủ đầu tư tiến hành điều tra khảo sát và thực hiện lập quy hoạch khu vực cần cải tạo. Do đó, một số dự án chưa tạo được sự đồng thuận trong việc lựa chọn nhà đầu tư cũng như kế hoạch triển khai thực hiện dự án.
Mặt khác, một số dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ đã triển khai, tuy nhiên do chủ đầu tư không bảo đảm năng lực về tài chính cũng như kinh nghiệm về thi công, quản lý... khiến cho dự án bị kéo dài và không đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Kênh đầu tư kinh doanh địa ốc nói chung và cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ nói riêng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp phải vay vốn thương mại với thời gian ngắn hạn, bố trí tái định cư, bồi thường rất phức tạp, chi phí lớn... vì vậy, công tác cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
(Vietnam+)