Đó chính là nội dung đáng chú ý nhất tại báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Xây dựng vừa qua.
Cụ thể, Bộ Xây dựng từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.000 đơn khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, trong đó, chủ yếu là đơn khiếu nại về nhà đất. Chủ yếu người dân khiếu nại để đòi lại nhà mà Nhà nước đã quản lý vì thực hiện chính sách trước đây.
Bộ Xây dựng cho biết, việc thực hiện chính sách quản lý nhà của Nhà nước trước đây không tránh khỏi những sai sót. Theo đó, sai từ việc áp dụng chính sách cho đến thủ tục, trình tự quản lý như: không có quyết định quản lý, quản lý sai thẩm quyền, quản lý không đúng diện...
|
Người dân khiếu nại về nhà đất nhưng cơ quan quản lý không đủ cơ sở
pháp luật để giải quyết (Ảnh minh họa, nguồn: motthegioi.vn) |
Tuy nhiên, chính sách hiện hành quy định, hiện không xem xét lại việc quản lý nhà trước đây là đúng hay sai và không thừa nhận việc đòi lại nhà mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng. Do đó, người dân rất bức xúc dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài, gay gắt.
Có nhiều trường hợp trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng như các cơ quan như Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân nguyện, các đài, báo... đều thấy người dân bị oan sai. Tuy nhiên, khi vận dụng pháp luật, thì không có cơ sở để giải quyết.
Nguyên nhân dẫn đến các bất cập chủ quan lẫn khách quan là sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật làm cơ sở cho công tác giải quyết khiếu nại.
Trước tình trạng này, Bộ Xây dựng kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định riêng về thẩm quyền, thủ tục, trình tự giải quyết đối với khiếu nại về nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng vì thực hiện các chính sách trước quản lý Nhà đất, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất trước ngày 01/7/1991.
(Pháp luật Tp.HCM Online)