Giá trị sinh lợi của những BĐS cho thuê ngày càng được khẳng định khi tạo ra được nguồn thu nhập thường xuyên. Trong đó, việc mua lại căn hộ, văn phòng hay BĐS nghỉ dưỡng với mục đích cho thuê được đánh giá là các kênh đầu tư tương đối tốt và bền vững.
Khi thị trường BĐS hồi phục và bùng nổ, nhiều nhà đầu tư đã thu được nguồn nhuận khá lớn từ việc “lướt sóng” căn hộ. Tuy nhiên, tâm lý đầu tư của những người có tiền hiện đang dần thay đổi, đó là việc chú ý đến khả năng thu được lợi nhuận ổn định của BĐS được đầu tư.
Mua căn hộ với mục đích thuê: Kênh đầu tư được ưa chuộng
Mua căn hộ cho thuê hiện đang là một kênh đầu tư tương đối phổ biến trên thị trường. Phần lớn các căn hộ được mua nhằm cho khách nước ngoài thuê lại vì mức giá thuê cao.
Tại Tp.HCM, một số dự án căn hộ cao cấp tại khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống như Sunrise City, Xi Riverview hay The Vista đang cho lợi nhuận tốt ngang bằng, thậm chí là nhỉnh hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Các dự án căn hộ ở quận 2 luôn duy trì tỷ suất lợi nhuận trên 8%, còn khu vực Nam Sài Gòn là khoảng 7,5-7,8% trong suốt 3 năm qua.
|
Mua căn hộ với mục đích cho thuê lại mang lại khoản lợi nhuận tương đối cho nhà
đầu tư. Ảnh minh họa |
Tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ cho thuê tại Hà Nội không lớn bằng Tp.HCM vì sản phẩm trên thị trường này ít hơn. Những dự án căn hộ cao cấp được ghi nhận có hoạt động cho thuê tốt nhất hiện nay ở Thủ đô cũng chỉ mang đến tỷ suất sinh lời khoảng 6-7%/năm, còn phần đa là ở mức 4-5%. Tiêu biểu là các dự án như Indochina Plaza Hanoi, The Manor hay Richland Southern với mức giá dao động từ 1.000-1.500USD/tháng/căn hộ có 2 phòng ngủ.
Dịch vụ bán sàn văn phòng: Kênh đầu tư mới
Theo nhận định của CBRE, xu hướng bán sàn văn phòng hoặc cho thuê dài hạn đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thậm chí, ngay cả những tòa nhà chưa được hoàn thiện cũng đã tính đến phương án bán văn phòng. Bởi, một khi chủ đầu tư luôn mong muốn đa dạng hóa các loại hình đầu tư tài sản của mình thì hiển nhiên nó sẽ trở thành một kênh đầu tư mới.
Điển hình là việc các lô văn phòng ở tòa nhà Charmvit Tower 117 Trần Duy Hưng đang được IDJ Investment chào bán với giá tương đương giá bán của một căn hộ cao cấp là 42 triệu đồng/m2 (chưa VAT) trong thời gian 42 năm. Đây là một cơ hội hiếm hoi để sở hữu diện tích sàn văn phòng hạng A, vì các chủ tòa nhà từ trước tới nay không hề muốn bán, mà chỉ muốn giữ lại để cho thuê.
Các doanh nghiệp có thể mua đứt diện tích văn phòng để làm trụ sở khi áp dụng phương thức trên. Tuy phải trả tiền một lần, nhưng doanh nghiệp lại có một cái lợi rất lớn, đó là không phải lo đến việc hàng tháng phải trả tiền thuê hay lo chuyển văn phòng hàng năm. Hơn nữa, chi phí bỏ ra để mua văn phòng làm trụ sở nếu tính ra sẽ rẻ hơn so với việc thuê.
Kết hợp phương án đầu tư BĐS và nghỉ dưỡng
Việc mua BĐS nghỉ dưỡng hiện được đánh giá là kênh đầu tư dần lấy lại sự hấp dẫn của nó. Đó là việc các nhà đầu tư có thể mua các căn biệt thự hay căn hộ thuộc khu nghỉ dưỡng để hàng năm có thể đi nghỉ cùng bạn bè hoặc gia đình. Thời gian còn lại, nếu không sử dụng, chủ sở hữu có thể tự cho khách du lịch thuê hoặc cùng với công ty quản lý khách sạn tiến hành cho thuê lại và chia lợi nhuận.
Nền kinh tế đang ngày một phát triển, nguồn thu nhập của người dân cũng dần tăng lên, kéo theo sự gia tăng của tầng lớp thượng và trung lưu. Và đó được xem là các nhân tố kích thích người Việt mua BĐS nghỉ dưỡng và đi du lịch. Tuy nhiên, giá bán của loại BĐS này lại không hề rẻ, giá trung bình của một căn biệt thự là khoảng hơn 10 tỷ đồng và từ 3-5 tỷ đồng đối với một căn hộ.
Tỷ suất sinh lợi của loại hình BĐS nghỉ dưỡng rơi vào khoảng 4-5%/năm nếu kết hợp cùng công ty quản lý khách sạn cho thuê BĐS và chia lợi nhuận. Nhưng theo như cam kết của một số doanh nghiệp có năng lực trong lĩnh vực này, điển hình là đại gia Vingroup thì mức lợi tức này sẽ đạt được 8%/năm trong vòng 10 năm đầu tiên. Đây thực sự là mức cam kết lợi tức cao nhất trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng.
(Đầu tư chứng khoán)