Kinh nghiệm mua bán BĐS

5 lời khuyên để thuê nhà trọ nhanh và an toàn

01/07/2020 - 02:05

Tại nhiều đô thị lớn, thuê nhà là giải pháp được đa số mọi người lựa chọn khi chưa có đủ tài chính cho việc mua nhà hoặc không có ý định sống lâu dài tại một khu vực. Để có thể giảm thiểu tối đa rủi ro và tìm được căn nhà ưng ý một cách nhanh chóng, đừng bỏ qua những lời khuyên dưới đây.

1. Đi xem nhà cùng người thân, bạn bè 

Vụ việc nữ sinh tại Hà Nội bị cưỡng bức, sát hại khi đi xem phòng trọ một mình xảy ra hồi tháng 6/2018 đã từng gây hoang mang dư luận tại thời điểm đó. Đây cũng là một lời cảnh báo quan trọng mà những khách thuê là phụ nữ, nhất là các bạn trẻ còn ít kinh nghiệm cần đặc biệt lưu ý để không rơi vào hoàn cảnh tương tự. 

Theo đó, khi đi xem nhà trọ, đừng quên đi cùng người người thân vì điều này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho bạn mà còn có thêm những đánh giá, góp ý khách quan về nơi bạn định thuê. Nếu không có ai đi chung, hãy nhớ báo lại địa điểm, lịch trình đi xem nhà cho người thân của mình để phòng bất trắc.

Trang phục khi đi xem nhà cũng nên chỉn chu, lịch sự để tránh bị để ý, soi xét. Một lưu ý nữa là về thời gian. Nếu có thể thu xếp được, tốt nhất bạn nên đi xem nhà vào ban ngày để có thể dễ quan sát và có cái nhìn toàn diện về nơi định thuê. Trường hợp bí thời gian, hãy xem nhà trước 21h vì sau giờ đó trời đã tối muộn, vắng vẻ lại thiếu an toàn. 

2. Tìm hiểu kỹ thông tin quảng cáo trên mạng

Hiện tin đăng quảng cáo cho thuê nhà, phòng trọ đang lan tràn trên các trang mạng xã hội, tin rao với lời mô tả hấp dẫn, hình ảnh đẹp và giá rẻ. Tuy nhiên chuyện "râu ông nọ cắm cằm bà kia", lấy ảnh nhà trọ của người khác làm ảnh quảng cáo cho nhà của mình để hút khách không còn xa lạ.

Chính vì vậy, hãy khảo sát một lượt những tin đăng cho thuê mà bạn "nhắm" được bằng cách lập danh sách cụ thể bao gồm địa chỉ nhà, số điện thoại liên hệ, giá thuê, phí dịch vụ, tiện nghi cơ bản… rồi kiểm tra lại một lần nữa qua số điện thoại kèm theo để hỏi rõ về tình trạng nhà/phòng. Nếu thông tin về mức giá và tiện nghi đúng như quảng cáo và cảm thấy có thể tin tưởng được thì mới đến xem trực tiếp để tránh mất thời gian.

Trước khi đến xem trực tiếp, đừng quên kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo trên mạng bằng cách gọi điện theo SĐT đi kèm để soát lại tính xác thực của tin đăng
Trước khi đến xem trực tiếp, đừng quên kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo trên mạng bằng cách gọi điện theo SĐT đi kèm để soát lại tính xác thực của tin đăng. Ảnh minh họa: Internet

3. Chắc chắn trước khi đặt cọc 

Đừng vội xuống tiền đặt cọc khi chưa tìm hiểu kỹ về nơi mình định thuê. Dù được quảng cáo hấp dẫn với giá thuê rẻ, nếu chưa gặp được trực tiếp chủ nhà, chưa xem qua hợp đồng thì sẽ có rất nhiều rủi ro. Nhiều người chủ quan chỉ khi chuyển đến ở mới phát hiện ra nhà bị hỏng hóc thì đã muộn vì đã trót đặt cọc cho môi giới hoặc người cho thuê nhà rồi cho thuê lại chứ không thể liên hệ trực tiếp với chủ nhà.

Trước khi đặt bút ký hợp đồng thuê nhà, đừng bỏ qua bước đọc các điều khoản một cách kỹ lưỡng. Cẩn thận hơn, hãy tìm người có kinh nghiệm xem giúp hợp đồng để phát hiện ra những điều khoản bất hợp lý, tránh phải sửa chữa, đền bù, mất tiền oan vì những kẽ hở trong hợp đồng.

Người mua cần trao đổi chắc chắn với chủ nhà rồi mới đặt cọc. Ảnh minh họa: Internet

4. Tìm nhà trọ qua các trung tâm môi giới uy tín, chuyên nghiệp

Nếu đã quá mệt mỏi vì không thể tìm được chỗ thuê ưng ý, phù hợp với khả năng chi trả hàng tháng, hãy nhờ đến các trung tâm môi giới chuyên nghiệp. Như vậy, mọi việc sẽ diễn ra nhanh chóng hơn và bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại dù sẽ phải mất phí cho họ. Song, nếu không may chọn phải môi giới kém chuyên nghiệp, nhiều khả năng bạn có thể rơi vào cảnh mất tiền mà không được việc.

Bên cạnh đó, đừng quá ỷ lại vào môi giới vì không ít trường hợp người thuê bị “qua mặt” khi môi giới thêm bớt các thủ tục hoặc tự viện thêm cả tá lý do để đòi thêm tiền.

5. Cân nhắc trước khi quyết định ở ghép

Việc tìm người ở ghép để giảm bớt tiền phòng hiện rất phổ biến. Tuy nhiên, không thiếu trường hợp bạn ở ghép mới đến ở hôm trước, hôm sau đã "khoắng" sạch tài sản, tiền bạc của bạn cùng phòng rồi "lặn mất tăm". Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sống cùng nhau. Chính vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ thông tin về đối phương như tên tuổi, nghề nghiệp, quê quán, gia đình… Nếu là sinh viên, tốt nhất hãy tìm người ở ghép học cùng trường/khoa với mình vì dễ nắm được thông tin của nhau hơn.

Khi đã quyết định ở ghép, bạn và những người ở chung cần thống nhất các khoản chi phí và thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản, có chữ ký của các bên nếu cần. Một lưu ý nữa là hãy đến đăng ký tạm trú ở địa phương nơi mình thuê trọ để có thể được các cơ quan chức năng hỗ trợ khi bất trắc xảy ra (lừa đảo, trộm cắp...). 

(ThanhnienViet)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm