Hỏi: Tôi nhận thấy kiến thức môi giới bất động sản ở nước ngoài (cụ thể là nước Mỹ) khá nhiều trên các trang báo hiện nay. Không biết nếu áp dụng thực tế vào Việt Nam thì có được không, và nên áp dụng ra sao?
Giảng viên Hội đồng chuyên gia bất động sản CRS – Hoa Kỳ, Huỳnh Anh Dũng trả lời:
Những người hành nghề môi giới bất động sản 10 năm trước đây rất khác so với những người hành nghề môi giới tại các công ty bất động sản như thời điểm hiện tại. Sự năng động, nhạy bén với công nghệ thông tin đã góp phần giúp những người hành nghề môi giới và kinh doanh địa ốc hoạt động hiệu quả hơn.
Ngành công nghiệp BĐS của mỗi một quốc gia đều có các chính sách hay định hướng phát triển khác nhau. Thế nhưng, công việc của người hành nghề môi giới địa ốc không gì khác chính là làm cầu nối cho cả 2 bên mua - bán tìm được điểm tương đồng trong thỏa thuận. Vậy nên chúng ta có thể hiểu rằng, công việc của người hành nghề môi giới bất động sản tại Mỹ và người hành nghề môi giới tại Việt Nam có chung tính chất công việc, không có gì khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những điểm khác biệt, cụ thể như sau:
Chuyên viên hành nghề môi giới tại Hoa kỳ:
1. Bên cạnh việc được đào tạo bài bản, khoa học thì những người hành nghề môi giới còn được làm việc trong môi trường với khuôn khổ pháp lý chuẩn mực đã được thiết lập hoàn chỉnh, ổn định.
2. Những phương tiện hỗ trợ hành nghề chuyên nghiệp như hệ thống MLS (Multiple Listing Service), Mạng lưới tìm kiếm khách hàng của Hiệp Hội BĐS Hoa Kỳ (NAR) vô cùng tiện lợi, giúp những người hành nghề môi giới đưa sản phẩm của mình ra thị trường hiệu quả và nhanh chóng.
3. Mạng lưới kết nối giữa các văn phòng trực thuộc (Franchine) của các công ty bất động sản tại những tiểu bang hoạt động rất hữu hiệu.
4. Nhóm ngành nghề hỗ trợ bao gồm: ngân hàng; Các chuyên viên chụp ảnh BĐS chuyên nghiệp; luật sư; thẩm định giá bất động sản; các công ty sửa chữa nhà; công nghệ E-Marketing online vận hành nhịp nhàng trước một sản phẩm được phép tham gia ra thị trường. Quan trọng hơn nữa, những người hành nghề môi giới đều hoạt động dưới sự bảo trợ của hiệp hội những nhà môi giới bất động sản (Brokers Association) trong khuôn khổ quyền và nghĩa vụ được ràng buộc vô cùng chặt chẽ.
Còn tại Việt Nam, hoạt động của những người hành nghề môi giới bất động sản hầu như ngược lại. Cụ thể là họ không biết phải bắt đầu từ đâu, đồng thời còn khá “mơ hồ” với công việc. Phần lớn những người hành nghề môi giới hiện nay vẫn chưa được đào tạo bài bản một cách đúng nghĩa, tuy đã có người đã có chứng chỉ hành nghề môi giới. Những người môi giới này thường hoạt động tự phát trong môi trường kinh doanh bất động sản có quá nhiều khó khăn và thiếu khung pháp lý đủ mạnh cho lĩnh vực môi giới địa ốc.
Ngành công nghiệp bất động sản Việt Nam trong tương lai sẽ dần được thay đổi và theo xu hướng phát triển chung của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, năm 2015 là năm mà Việt Nam chính thức tham gia toàn diện vào WTO, việc “chuẩn hóa” của nghề môi giới và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam cũng là điều hiển nhiên và đó là xu thế phát triển tất yếu không thể thay đổi được.
Các kiến thức về môi giới bất động sản tại Hoa Kỳ và những quốc gia phát triển sẽ dần được ứng dụng vào môi trường kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong tương lai không xa.
(CafeLand)