Chỉ vì ham chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài, muốn xây được nhà to nhà đẹp để "xứng phận nam nhi", anh Tấn đã vô tình khiến gia đình rơi vào cảnh nợ chồng nợ.
Sau đây là những chia sẻ về sai lầm về việc xây nhà hoàn tráng trong khi không dư dả về tài chính của anh Nguyễn Đức Tấn, 40 tuổi (Thuận Thành, Bắc Ninh):
Sau nhiều năm lập nghiệp ở Hà Nội, vợ chồng tôi đã có một khoản tiết kiệm 500 triệu đồng. Đã lâu như vậy mà gia đình 3 người vẫn ở thuê tại căn tập thể khu Nghĩa Tân, thỉnh thoảng lại đón bà nội, ngoại lên chăm cháu. Chưa kể đến việc phần lớn đồng nghiệp, bạn bè của chúng tôi đã đều có nhà ở thủ đô, càng tạo động lực cho vợ chồng tính việc xây nhà. Với mức thu nhập hiện tại của gia đình đang là 26 triệu/tháng, cộng với số tiền 300 triệu đồng tiền bán mảnh đất ở quê được bố mẹ cho, chúng tôi dự tính sẽ tìm mua 1 mảnh đất ở ngoại thành rồi lên ý tưởng thiết kế, xây dựng.
Bước đầu tìm đất khá gian nan khi đã mải miết tìm kiếm suốt nửa năm mà vẫn chưa có mảnh nào ưng ý. Vừa nhụt chí thì trong một lần sang khu Đông Anh thăm đồng nghiệp bị ốm, tôi lại may mắn hỏi được mảnh đất rộng 40m2 mặt ngõ nhỏ với giá chỉ 16 triệu đồng/m2.
Nhận thấy đây là cơ hội của mình nên tôi đã quyết định xuống tiền mua ngay dù khá xa khu Trung Hòa Nhân Chính nơi hai vợ chồng đang làm việc nhưng bù lại đất giá tốt, có sổ đỏ và được mua qua chính chủ chứ không phải làm việc với môi giới.
|
Giá như không tham xây nhà to nhà đẹp, gia đình tôi đã không phải rơi vào cảnh nợ chồng nợ. Ảnh minh họa (Nguồn Internet) |
Sau khi mua mảnh đất 640 triệu, chúng tôi thế chấp luôn tài sản này để vay ngân hàng thêm 350 triệu, cộng với 160 triệu còn lại để xây nhà. Dự định ban đầu của chúng tôi là chỉ xây một ngôi nhà 2 tầng với chi phí vào khoảng 400 triệu và dành 100 triệu cho hạng mục nội thất.
Thế nhưng nghe bố mẹ ở quê nói có lý khi xây nhà ít nhất cũng phải xây 3 tầng mới khang trang, có chỗ ở rộng rãi cho con cái, "mát mặt" với họ hàng làng xóm ở quê vì dù sao cũng có tiếng là được ăn học đến nơi đến chốn, có công việc tốt ở thủ đô..., tôi bàn lại với vợ cố vay thêm tiền để làm thêm 1 tầng nữa. Dù ban đầu không đồng ý nhưng vì tôi cương quyết theo ý mình nên vợ đành nghe theo.
Về vật liệu xây dựng và nội thất, tôi lấy nguồn hàng ở chỗ cậu bạn quen. Cậu ta tư vấn nên lấy loại tốt vì nhà xây là ở cả đời, chỉ cần cố thêm một chút là được. Mỗi thứ thêm một chút, vậy là nội thất trong nhà tôi tất cả đều là loại xịn, từ bàn ghế, giường tủ cho đến bồn tắm, bồn cầu, lavabo...
Vợ chồng tôi đều làm giờ hành chính nên việc giám sát thợ không thể sát sao. Chính vì vậy, có nhiều chỗ họ xây không theo ý nên tôi phải yêu cầu phá đi sửa lại. Do cả hai vợ chồng đều làm hành chính, không có thời gian giám sát nên có nhiều chỗ thợ xây không đúng ý, tôi lại yêu cầu họ đập đi xây lại. Một vài lần như vậy khiến cuối cùng chi phí xây nhà bị đội lên gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu.
Để thanh toán cho xong khoản tiền xây nhà, vợ chồng tôi phải vay thêm 400 triệu từ ngân hàng, chấp nhận còng lưng gánh khoản nợ lên tới 750 triệu đồng, bên cạnh số tiền vài chục triệu vay không lãi của người thân bạn bè.
Xây nhà chưa bao lâu, vợ sinh bé thứ 2 nên tạm nghỉ 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình bị giảm và phát sinh thêm rất nhiều chi phí khác vì cùng lúc vừa trả nợ, vừa lo cho 2 con.
Vì sữa mẹ không đủ nên bé thứ 2 phải ăn sữa ngoài, sức đề kháng cũng không tốt, phải nằm viện mấy đợt vì hay ốm đau. Vợ chồng tôi quay cuồng trong những khoản tiền thuốc thang, bỉm, sữa, viện phí... nhưng tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả đều đều. Dù cố gắng động viên nhau nhưng việc tháng nào cũng phải xoay sở, lấy chỗ này đập chỗ kia để lo trả nợ, vợ chồng tôi thực sự mệt mỏi. Có những đợt tôi phải vay nóng với lãi suất 3%/tháng trong vòng 1-2 tháng mới kịp trả nợ.
Giá như hồi trước tôi nghe vợ, chỉ xây căn nhà 2 tầng hợp với tài chính thì giờ cả nhà đã không lâm vào cảnh trớ trêu, nợ ngập đầu như bây giờ.
(Tạp chí Thanh Niên)