Theo đánh giá của các chuyên gia ngành bất động sản, thị trường đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh kéo dài. Chính vì vậy, những nhà đầu tư lướt sóng thời điểm này nên cẩn trọng trong "cuộc chơi" địa ốc.
Nhận định về tốc độ tăng trưởng của thị trường BĐS trong những năm gần đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, so với giai đoạn sôi động những năm 2017-2018 thì thời gian quan, bất động sản đang có sự chậm nhịp. Cụ thể, từ đầu năm ngoái, các chỉ số của thị trường đột ngột sụt giảm với lượng hấp thụ chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018.
Chính sách của thị trường bất động sản thời gian qua, theo ông Đính, đã cho thấy nhiều yếu điểm. Hàng loạt dự án tại các thành phố lớn phải tạm dừng thi công để thanh kiểm tra, còn tại các địa phương, việc phát triển những dự án bất động sản vẫn bị hạn chế. Theo đó, mỗi địa phương sẽ có khoảng 20-30 dự án phải tạm dừng triển khai, trong khi số dự án như vậy tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM lên đến con số hàng trăm.
Tới đầu năm nay, dù nhiều người vẫn lạc quan vào sự kiểm soát kịp thời với Covid-19 song hành vi đầu tư của người Việt đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Thời điểm này, xu hướng giữ lại nguồn vốn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn thay vì ôm tiền đi lướt sóng ở nhiều nơi.
|
Nhà đầu tư cần thận trọng khi lướt sóng bất động sản trong giai đoạn 12-18 tháng tới |
Có chung nhận định, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, những yếu tố vừa nêu là nguyên nhân khiến dòng tiền lưu thông chậm và thị trường sẽ xuất hiện sự sàng lọc lớn trong thời gian tới.
Ông Quyết nhìn nhận: "Đầu tư ngắn hạn chỉ mang yếu tố thời điểm khi có các thông tin mới như công bố quy hoạch, nâng cấp hạ tầng... Còn thời điểm hiện tại, với các nhà đầu tư vốn yếu và có sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ dễ "lệch đường ray" .
Thêm vào đó, sự thua lỗ của các nhà đầu tư thời gian qua đa phần là do đầu tư theo "phong trào", việc đổ tiền lướt sóng vài tháng rồi rút tiền ra ngay như vậy có khả năng thất bại tới 90%.
"Thời gian qua, đầu tư ở Hà Nội hay TP.HCM, dù vùng ven đều có hiệu quả bởi bất động sản để đấy 1 - 2 năm có thể tăng giá gấp đôi gấp ba, còn nếu theo phong trào như nói ở trên thì rút vốn ra còn khó chứ đừng nói đến hiệu quả" - ông Quyết cho biết thêm.
|
Sau cơn sốt đất, nhiều nhà đầu tư đã "mắc cạn" chỉ vì ham lướt sóng theo phong trào |
Dự báo về thị trường trong khoảng 12-18 tháng tới, Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (Jll Việt Nam) Đặng Văn Quang cho rằng thị trường sẽ tương đối khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư phải thận trọng khi "lướt sóng".
Thời điểm này, theo ông Quang, lựa chọn dự án có chủ đầu tư uy tín, pháp lý minh bạch và đảm bảo tiến độ thực hiện là những lưu ý quan trọng mà các nhà đầu tư cần biết. Mặt khác, không nên sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính để đầu tư trong giai đoạn này. Như vậy mới có thể tránh nguy cơ thị trường bị ảnh hưởng kéo dài, lãi suất ngân hàng trở thành gánh nặng.
Về lâu dài, chuyên gia này cho rằng kênh đầu tư sinh lời tốt nhất vẫn là bất động sản. Nhất là khi, có đến 90% trong số những triệu phú USD hiện nay tại Việt Nam đang trực tiếp hoặc gián tiếp kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, trong nhóm 100 người giàu nhất Việt Nam với tài sản từ 30 triệu USD cũng ghi nhận 99,1% liên quan trực tiếp đến kinh doanh bất động sản. Con số này đáng phải được suy ngẫm.
Nguồn: https://diendanbatdongsan.vn/vi/tin-tuc/luot-song-bat-dong-san-thoi-diem-nay-90-la-that-bai
(Nguồn sưu tầm)