Dù thu nhập mỗi tháng 40 triệu đều đặn và đang có sẵn 3 tỷ đồng trong tay nhưng thay vì mua nhà, vợ chồng chị Thu Nga (Hà Nội) vẫn quyết định ở nhà thuê.
Chứng kiến cảnh những người xung quanh "còng lưng" gánh khoản nợ lớn khi vay mua nhà, chị Nga không khỏi cảm thấy áp lực nên phần nào có thêm lý do để tiếp tục ở nhà thuê. Chị Nga cho biết: “Nghĩ đến cảnh hàng tháng phải tính toán chi tiêu để trả nợ ngân hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của gia đình khiến tôi thực sự thấy điều đó là gánh nặng vì thế vợ chồng tôi quyết định thuê nhà thay vì cố mua nhà và tôi vẫn có thể ở căn hộ chung cư như mong muốn mà không bị áp lực trả tiền lãi vay ngân hàng như các bạn bè của mình”.
Những căn chung cư mà vợ chồng chị từng ở qua đều có chung đặc điểm là nằm ở vị trí thuận lợi, gần chỗ làm nên việc di chuyển, đi lại từ nhà đến cơ quan không mất nhiều thời gian. Theo chị Nga chia sẻ, số tiền dành cho khoản thuê nhà của vợ chồng chị chưa bao giờ vượt quá 30% tổng thu nhập hàng tháng. Tính ra, chỉ với 10-12 triệu đồng/tháng là gia đình chị đã có thể sinh sống thoải mái trong những căn chung cư cao cấp có trị giá vài tỷ đồng. Trong khi đó, khoản tiền 3 tỷ đồng sẵn có anh chị đem gửi ngân hàng và nhận lãi hàng tháng, ngay cả trong giai đoạn lãi suất bị điều chỉnh xuống thấp thì cũng đủ tiền thuê nhà.
Theo phân tích của chị Nga: “Mỗi năm tiền thuê nhà chúng tôi chỉ mất khoảng 100 - 120 triệu đồng, nhưng số tiền sẵn có nếu không mang đi đầu tư mà chỉ gửi ngân hàng cũng có 180-240 triệu đồng/năm, tùy mức lãi suất cao thấp khác nhau. Căn nhà rộng 70m2, 2 phòng ngủ rất phù hợp với gia đình hai vợ chồng và 1 con nhỏ của chúng tôi. Như thế tôi thấy thuê nhà vẫn có lợi hơn là đi mua nhà".
|
Thay vì mua nhà để gánh nợ trên vai, không ít gia đình trẻ lựa chọn giải pháp ở nhà thuê. Ảnh minh họa. |
Theo chị, suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng thay vì mất tiền thuê nhà hàng tháng cho chủ nhà, nên bỏ ra một số tiền rồi vay mượn thêm người thân, ngân hàng, cố gắng tiết kiệm, trả gốc lẫn lãi để sau vài năm căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của mình chưa hẳn đã đúng.
Chị Nga cho rằng: “Nếu cứ dồn hết cả tiền sẵn có với thu nhập vào chuyện trả nợ ngân hàng mỗi tháng không những mệt mỏi mà sau này khi trả hết nợ ngân hàng, con cái lớn lên, thu nhập của hai vợ chồng cũng tăng thêm thì liệu có còn thích ở căn nhà đã mua đó không hay lại muốn sở hữu căn hộ cao cấp hơn, rộng rãi hơn? Hoặc công ty chuyển địa điểm hay thay đổi công việc thì lại phải di chuyển đi làm xa hơn, khi ấy sẽ cảm thấy rất bất tiện”.
Mặt khác, theo quan điểm của chị, khoản tiền nhàn rỗi đó có nếu không đem gửi ngân hàng thì cũng thuận lợi cho việc đầu tư ngắn hạn của chồng vào các dự án mà không cần làm thủ tục vay ngân hàng vừa rắc rối lại mất thời gian.
Một điểm nữa, cần tách biệt nhu cầu về nhà ở và nhu cầu về sở hữu nhà ở khi quan niệm "an cư lạc nghiệp" của người Việt từ xưa dường như không còn chính xác hoàn toàn với bối cảnh hiện đại nữa. Nguyên nhân mà chị Nga đưa ra là, nếu có nhu cầu về nhà ở thì việc đi thuê nhà sẽ kinh tế và hợp lý hơn. Một vấn đề nhỏ trong quá trình thuê nhà mà gia đình chị gặp phải chỉ là mất công sắp xếp, chuyển đồ đạc trong mỗi lần chuyển nhà mà thôi.
Do đó, dù đã ở nhà thuê suốt 5 năm qua nhưng gia đình chị vẫn thấy hài lòng và đến nay vẫn chưa có ý định mua nhà, nhất là khi không phải lo áp lực về kinh tế mà cả gia đình luôn lựa chọn được môi trường sống phù hợp theo ý thích tại khu trung tâm văn minh, tiện lợi.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/nha-dat/bo-chuc-trieu-thue-nha-vo-chong-toi-cat-tien-ty-vao-ngan-hang-262807.html
(Nguồn sưu tầm)